(HNMO) - Kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, không chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Đây là một trong những nhiệm vụ được nêu trong dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội” được Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo trình bày, xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tại Hội nghị lần thứ mười ba, khai mạc sáng 14-6.
Có tâm lý “bàn lùi”, “không làm thì không sai”
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, trên tinh thần gương mẫu, đi đầu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy, tổ chức Đảng từ thành phố xuống cơ sở đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, đề cao kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong Đảng và hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
Xác định kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm là hàng đầu, 3 năm liền (2021-2023), thành phố đã lựa chọn và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được tăng cường. Đây là nguyên nhân chủ yếu giúp thành phố khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay.
Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị còn một số mặt hạn chế. Việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền của một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm. Nhiều công việc nêu trong nghị quyết, chỉ thị, chương trình công tác, chương trình hành động, kế hoạch, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đúng tiến độ, chất lượng chưa đạt yêu cầu. Có lúc, có nơi kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm, cá biệt có nơi buông lỏng; vai trò, trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn yếu kém, thiếu quyết liệt, thiếu sâu sát, sa đà vào công việc có tính sự vụ, thiếu tầm nhìn, tư duy chiến lược; chưa đổi mới, sáng tạo; chưa có khát vọng đưa cơ quan, đơn vị, địa phương mình và thành phố vươn lên; chưa thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
“Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc theo vị trí việc làm; có tâm lý “bàn lùi”, “không làm thì không sai”; không dám tham mưu, đề xuất, thậm chí không dám quyết định những nội dung công việc thuộc thẩm quyền; tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị khác; thiếu chủ động trong tham mưu hoặc tham mưu “lòng vòng”, không nêu rõ quan điểm... Một số cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực trong giải quyết công việc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp”, dự thảo Chỉ thị nêu rõ.
Những hạn chế, tồn tại trên đây không những làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố, làm giảm năng lực cạnh tranh, đi ngược lại yêu cầu lãnh đạo thành phố đề ra.
Xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực
Cũng theo dự thảo Chỉ thị, để khắc phục hạn chế tồn tại nêu trên, phát huy ưu điểm, quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị về kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp từ thành phố xuống cơ sở tập trung thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ.
Đáng chú ý, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ yêu cầu thực hiện tốt phương châm các việc cấp bách phải được giải quyết ngay; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm được tập thể bàn bạc kỹ, thấu đáo trước khi quyết định; chủ động dự báo tình hình, sâu sát cơ sở, tập trung ưu tiên giải quyết công việc nổi cộm, bức xúc, cấp bách mà thực tiễn đặt ra...
Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy tổ chức Đảng, thanh tra công vụ của cơ quan nhà nước; nâng cao tần suất, mật độ kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành quy định giờ giấc làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực và vi phạm khác; quyết tâm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, coi đây là “thước đo” đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Thảo luận tại các tổ, các đại biểu đã thống nhất rất cao về sự cần thiết, ý nghĩa của việc ban hành chỉ thị nêu trên, cũng như 6 nhóm nhiệm vụ nêu trong dự thảo. Đáng chú ý, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên khẳng định, việc Ban Thường vụ Thành ủy đưa dự thảo Chỉ thị ra xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố là nét đổi mới tích cực. Trên cơ sở bàn sâu, bàn kỹ và thống nhất tại hội nghị, việc triển khai thực hiện chỉ thị sẽ bảo đảm đồng bộ, nhanh chóng đi vào cuộc sống. Về phía huyện Đông Anh, đồng chí Lê Trung Kiên cho biết, khi chỉ thị được ban hành, huyện sẽ ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ dựa trên cơ sở 3 “thước đo” về tính chủ động, tính sáng tạo và tính hiệu quả; áp vào thực hiện ở từng đơn vị.
Các đại biểu cũng đã góp ý nhằm hoàn thiện kết cấu, câu từ, bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.