(HNMO) - Việc xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” nhằm liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, đội ngũ trí thức và doanh nhân nhằm phục vụ, giải quyết các vấn đề đặc thù trong quá trình phát triển của Thủ đô; có chính sách vượt trội thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học, chuyên gia công nghệ, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế.
Đây là một trong những nội dung phối hợp giữa Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ được nêu trong Thông báo chung số 2787-TB/BCSĐ-TU về “Kết luận hội nghị đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan” vừa được ban hành.
Theo thông báo, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025 là phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nhằm tạo động lực phát triển mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Thành phố cũng sẽ tăng cường xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là đầu tư từ doanh nghiệp...
Bộ Khoa học và Công nghệ và thành phố Hà Nội sẽ phối hợp triển khai đầy đủ các nội hàm của “Thành phố sáng tạo”; tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thủ đô là trung tâm tổ chức các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia và quốc tế, kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế; thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, học viện.
Thành phố Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng tham gia, thúc đẩy phát triển nhanh hệ thống các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học; nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng cao...
Hai bên cũng sẽ phối hợp xây dựng chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của Thủ đô trên cơ sở các hoạt động: Hỗ trợ ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ (đặc biệt là công nghệ nguồn, công nghệ mới, công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường...).
Hai bên cùng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thông qua hỗ trợ các tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, áp dụng chỉ dẫn địa lý, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu sản phẩm, làng nghề...
Đặc biệt, hai bên sẽ phối hợp thúc đẩy sớm hoàn thành xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo của Hà Nội và quốc gia theo đúng định hướng đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.