Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau đại dịch Covid-19, du lịch bứt phá cả về chất và lượng

Nguyễn Thanh| 22/12/2022 13:29

(HNMO) - Du lịch phục hồi nhanh chóng, tăng trưởng bứt phá cả về lượng và chất là một trong những điểm sáng của ngành văn hóa, thể thao, du lịch trong năm qua, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước sau đại dịch Covid-19. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 22-12.

Sự kiện được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại 66 điểm cầu trên cả nước. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo.

Phục hồi mạnh mẽ

Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động du lịch chìm vào im ắng, năm 2022 ghi nhận những chuyển động mạnh mẽ trên cả nước trong khơi thông, nâng tầm cho du lịch. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm; xây dựng Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh; tổ chức hội nghị gặp gỡ địa phương và doanh nghiệp nhằm phục hồi và phát triển du lịch… 

Cùng với ngành văn hóa, các địa phương đều tích cực triển khai đa dạng hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, như: Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022”, Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16 năm 2022, Chương trình du lịch Qua miền di sản Việt Bắc, Lễ hội “Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022”, Lễ khai mạc Festival “Cù Lao Chàm - mùa hoa ngô đồng đỏ”…, tạo dấu ấn đậm nét.

Kết quả, hoạt động du lịch tại các địa phương trong năm 2022 đều ghi nhận sự tăng trưởng cả về tổng lượng khách và tổng doanh thu, nhất là mảng du lịch nội địa. Tiêu biểu như Hà Nội, tính từ thời điểm du lịch cả nước mở cửa (ngày 15-3) đến nay, thành phố đã đón 18,7 triệu lượt khách, đạt doanh thu trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với cùng kỳ. Tương tự với đó là thành phố Hồ Chí Minh với 28,5 triệu lượt khách, tổng thu đạt 120 nghìn tỷ đồng, tăng 171,2%; thành phố Đà Nẵng đón 7,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 28 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2021…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thông tin, năm 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch được quốc tế vinh danh, như: Top 12 điểm đến tuyệt vời và có chi phí phải chăng phù hợp; top 10 điểm đến hấp dẫn có tuyết rơi ở châu Á; top 25 hòn đảo tốt nhất thế giới cho Phú Quốc; Điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á 2022 cho Mộc Châu… Tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt. Khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt gần 500 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, truyền thông số về du lịch với nhiều cải tiến mạnh mẽ, cũng đóng góp đáng kể vào công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền hình ảnh đất nước, con người, văn hóa đặc sắc, cảnh quan tươi đẹp của Việt Nam. 

“Tháng 3 năm 2022, Việt Nam công bố chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các cửa khẩu, bằng đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không. Khôi phục toàn bộ chính sách visa như trước Covid-19 và không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào với khách nội địa. Với việc mở cửa này, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới, cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Quang cảnh hội nghị.

Chú trọng tính chuyên nghiệp và độc đáo 

Hội nghị của ngành văn hóa, thể thao, du lịch xác định những kết quả nổi bật của du lịch Việt Nam năm 2022 là tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển du lịch trong bối cảnh mới, trong đó các đại biểu tham dự thống nhất phương hướng, nhiệm vụ cho du lịch năm 2023 là: Phát triển du lịch phải luôn gắn với kinh tế, văn hóa, thể thao, lịch sử, truyền thống dân tộc, đất nước, con người Việt Nam; với bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt, thích ứng, luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, giải quyết các khó khăn, thách thức mới. Phấn đấu trong năm 2023, đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng...

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành văn hóa tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực du lịch gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số. Đặc biệt, phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạo đột phá, phát triển đồng đều cả du lịch quốc tế và nội địa, phát triển du lịch xanh, bền vững, đặt phát triển du lịch Việt Nam trong tổng thể du lịch khu vực và thế giới. 

Triển khai xếp hạng 11 di tích cấp quốc gia; công bố 46 di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Xây dựng và bảo vệ hồ sơ Nghệ thuật làm gốm của người Chăm trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) vào danh sách Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO; hỗ trợ đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn “Hoàng đế chi bảo”. Tổ chức và thi đấu thành công tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sau đại dịch Covid-19, du lịch bứt phá cả về chất và lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.