(HNM) - Phải thừa nhận, điện ảnh Việt những năm gần đây đã có những bước giao lưu, hội nhập với thế giới khá hào hứng. Phim trong và ngoài nước ngày một đa dạng về thể loại, kỹ xảo.
Phim "bom tấn" ra rạp sát lịch thế giới; phim trong nước sốt sắng ra nước ngoài dự thi… Có một vấn đề rất được các đơn vị phát hành quan tâm là duyệt phim và phân loại đối tượng thế nào để thích ứng với tình hình mới.
Ai cũng biết, "ba-ri-e" duy nhất để giới hạn đối tượng xem phim ở nước ta hiện nay là "Nghiêm cấm trẻ em dưới 16 tuổi - NC16". Tuy nhiên, thực tế thì lại đã đi rất xa: các nhà sản xuất luôn tung ra nhiều dạng phim để phục vụ cho những đối tượng khán giả chuyên biệt. Bởi vậy, thế giới đã có những cách thức cảnh báo bằng hệ thống xếp hạng riêng, ví như G (phổ biến), PG (khuyến cáo nên có hướng dẫn của cha mẹ), MA15+ (người dưới 15 tuổi chỉ được xem khi đi cùng cha mẹ), R18+ (chỉ dành cho người trên 18 tuổi)… Mặc dù mức độ, cách thức phân loại khác nhau, song các nước đều rất ý thức về vấn đề này. Chưa có hệ thống phân loại chi tiết, rõ ràng duyệt phim của ta đã có chỗ bị bỏ trống.
Một vấn đề khác của duyệt phim mà các đơn vị phát hành phải "kêu" là lịch duyệt 2 ngày/tuần cố định. Như vậy, nếu có muốn phát hành sát với lịch ra mắt của thế giới mà không nhập được sớm bản phim để kịp duyệt, hoặc nhập được rồi… còn phải chờ lịch duyệt thì thực là rắc rối. Đành rằng, không phải lúc nào cũng vậy. Nhưng thời điểm phát hành linh hoạt, thì tại sao lịch duyệt phim không linh hoạt, đổi mới?
Chưa kể, các phim đều được duyệt dưới định dạng duy nhất là phim nhựa 35mm, trong khi việc sản xuất, phát hành phim dưới định dạng kỹ thuật số đã trở nên ngày càng phổ biến.
Đổi mới luôn là điều không dễ, nhưng để tốt hơn thì lại rất cần sự thay đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.