Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sang đường sai cách - Hiểm nguy rình rập

Nhóm phóng viên| 24/04/2021 05:39

(HNM) - Hà Nội hiện đã đầu tư xây dựng gần 50 cầu vượt, 38 hầm bộ hành và kẻ vạch dành cho người đi bộ sang đường tại những điểm phù hợp trên các tuyến đường, phố. Tuy nhiên, tình trạng người đi bộ sang đường sai quy định vẫn diễn ra phổ biến, khiến nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập. Do vậy, bên cạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thì cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý các vi phạm nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Người đi bộ sang đường đúng nơi quy định sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Ảnh: Nhật Nam

Vi phạm ở nhiều nơi

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các tuyến đường trên địa bàn Hà Nội đã lắp đặt cầu vượt bộ hành như phố Chùa Bộc (đoạn trước Học viện Ngân hàng), đường Nguyễn Trãi (trước Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội), đường Nguyễn Chí Thanh (trước Trường Đại học Luật Hà Nội)… hay các địa điểm có hầm dành cho người đi bộ sang đường trên tuyến Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển… thường xuyên bắt gặp cảnh người đi bộ băng sang đường giữa dòng phương tiện đông đúc. Tại 8 vị trí cầu vượt bộ hành kết hợp phục vụ tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa cũng vẫn có nhiều hành khách liều mình băng qua đường giữa dòng xe cộ để vào nhà chờ xe buýt. Tình trạng người đi bộ sang đường không đúng quy định còn xảy ra ở các tuyến đường đã được bố trí hầm đường bộ như Trường Chinh, Ngã Tư Sở…

Chị Lê Thị Bình, nhân viên Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội, làm nhiệm vụ trực, vệ sinh hầm đường bộ cho hay, tuyến đường Vành đai 3 có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn nên được bố trí gần 20 hầm đường bộ để người dân đi lại an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức, ngại đi vòng lên xuống hầm mà băng qua dòng xe cộ tấp nập để sang đường... Từ tâm lý "ngại", Nguyễn Thu Hương, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: "Em quan sát đường phố thấy vắng xe cộ thì mới sang đường. Đi vậy cho nhanh, đỡ phải lên cầu vượt".

Tình trạng người đi bộ đi không đúng phần đường cũng xảy ra phổ biến ở vùng ngoại thành như đoạn quốc lộ 32 giao với đường tỉnh lộ 82 tại ngã tư Gạch (huyện Phúc Thọ), thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng)... Tại đây thường xuyên có những hình ảnh không đẹp là người đi bộ trèo qua cả dải phân cách cứng để sang đường. Còn ở thị xã Sơn Tây, chiều rộng nhiều mặt đường phố nhỏ, chỉ 5-7m, nên người đi bộ không đi đến những điểm có vạch kẻ sang đường, mà tiện thể qua đường luôn khi không có xe máy, ô tô qua lại. Tại những tuyến đường chính trên địa bàn thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), người dân ở ven đường hay khách bộ hành cũng tranh thủ khi ít có xe máy, ô tô qua lại để sang đường.

Thực tế cho thấy, xảy ra tình trạng nêu trên, bên cạnh ý thức người đi bộ chưa cao còn có nguyên nhân khách quan là nhiều tuyến đường không có vỉa hè, hoặc vỉa hè bị chiếm dụng, lối sang đường còn ít và cách xa nhau nên người đi bộ dễ "tặc lưỡi" đi ẩu.

Người đi bộ không đúng nơi quy định tại đường Phạm Hùng (đoạn trước Bến xe Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Ngân Thùy

Kết hợp tuyên truyền và xử lý nghiêm vi phạm

Theo Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), ngày 16-1-2021, Đội Cảnh sát giao thông số 7 tiếp nhận, xử lý vụ tai nạn trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) do người điều khiển xe máy đâm phải 3 người đi bộ sang đường khiến 2 người tử vong, 1 người bị thương. Vụ việc là hồi chuông cảnh báo cho người đi bộ cần chấp hành quy định khi sang đường để bảo đảm an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông.

Việc xử lý hành vi vi phạm của người đi bộ do không đi đúng phần đường quy định còn rất ít. Trung tá Dương Đức Việt, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an thị xã Sơn Tây cho biết, đối với những trường hợp đi bộ dưới lòng đường, hoặc sang đường không đúng nơi có vạch kẻ dành cho người đi bộ, lực lượng tuần tra của đơn vị chủ yếu nhắc nhở người dân đi đúng phần đường, không gây trở ngại cho người tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô, xe máy.

Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Vũ Ngọc Thắng cho rằng, để hạn chế tình trạng người đi bộ sang đường không đúng quy định, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tiếp tục tăng cường các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thuận tiện, khuyến khích người dân có ý thức sử dụng hầm, cầu bộ hành...

Về vấn đề này, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) thông tin, lực lượng công an sẽ phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, trong đó có người đi bộ sang đường. Bên cạnh đó, Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và tổ chức chuyên đề xử lý nghiêm người đi bộ vi phạm, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sang đường sai cách - Hiểm nguy rình rập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.