Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đề xuất bổ sung 29 cầu vượt cho người đi bộ qua đường với tổng kinh phí dự kiến là 300,035 tỷ đồng.
Nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân cũng như bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí đông dân cư, trường học, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông vừa báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất UBND thành phố Hà Nội danh mục đầu tư 29 cầu vượt cho người đi bộ trên địa bàn thành phố.
Theo Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Lê Hữu Hồng, danh mục cầu vượt cho người đi bộ được đề xuất đầu tư xây dựng phải bảo đảm các nguyên tắc: Các cầu vượt đã có văn bản chỉ đạo nghiên cứu, lập dự án của UBND thành phố; việc xây dựng các cầu vượt tại vị trí dự kiến đề xuất sẽ giải quyết được nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông; các cầu vượt theo kiến nghị của cử tri và kiến nghị của các quận, huyện, thị xã... Các vị trí đó phải phục vụ phần lớn nhu cầu đi bộ qua đường của người dân.
Vị trí dự kiến xây dựng cầu vượt đi bộ không trái với các quy hoạch được duyệt; phải đủ điều kiện về mặt bằng để bố trí trụ cầu, lề đường cho người đi bộ; đồng thời, không trùng với danh mục đầu tư các cầu vượt đang triển khai trên địa bàn thành phố...
Trên cơ sở các nguyên tắc trên, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đề xuất bổ sung 29 cầu vượt cho người đi bộ qua đường với tổng kinh phí dự kiến là 300,035 tỷ đồng.
Trong đó, có một số vị trí như: Cầu vượt trên phố Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy); các đường/phố Lê Quang Đạo, Châu Văn Liêm, Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm); đường Hoàng Minh Thảo đoạn trước cổng phụ Công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm); đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ); 2 vị trí trên đường Minh Khai (đoạn khu vực ngõ Hòa Bình 7 và lối sang Khu đô thị Times City quận Hai Bà Trưng)…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.