Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân chơi cho trẻ - đến hẹn lại lo

Nguyễn Thanh| 05/05/2019 06:34

(HNM) - Hè về, khi trẻ nhỏ tạm rời xa sách vở, trường lớp, cũng là lúc người lớn nháo nhác tìm điểm vui chơi bổ ích cho trẻ. Nỗi lo ấy cứ đến hẹn lại lên, do việc thiếu không gian vui chơi, giải trí vào dịp hè cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng chưa được giải quyết triệt để.

Công viên Cầu Giấy thu hút đông trẻ em tới vui chơi, giải trí. Ảnh: Bá Hoạt


“Đỏ mắt” tìm nơi vui chơi

Giống như nhiều gia đình có con nhỏ khác, chị Nguyễn Thu Thủy (ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) khá đau đầu trước bài toán cho con làm gì, chơi ở đâu mỗi khi hè tới. Địa phương tuy có nhà văn hóa, nhưng thiếu trang thiết bị và người dẫn dắt tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, hấp dẫn. Đặc biệt, các sân chơi dành riêng cho trẻ lại càng thiếu. Chính vì thế, dù không muốn, gia đình chị vẫn phải đăng ký các lớp học thêm cho con như một hình thức gửi trẻ.

Tương tự, gia đình ông Lê Ngọc Hiền (ở khu tập thể Giảng Võ, Ba Đình) cũng đang lo tìm phương án nghỉ hè phù hợp, an toàn cho các cháu. Ông Hiền tâm sự: “Tôi có 2 cháu đang là học sinh THCS. Nghỉ hè, các cháu chủ yếu ở nhà đọc sách, xem ti vi, vì sân chơi ở khu dân cư nhỏ hẹp, người lại đông. Các gói trại hè tập trung, dù rất hấp dẫn, nhưng lại có mức phí quá cao. Cho các cháu đến trung tâm vui chơi giải trí cũng không khả thi, do có quá nhiều trò chơi điện tử hại mắt, thiếu an toàn".

Những lo toan đó phần nào phản ánh thực trạng thiếu sân chơi dành cho trẻ em dịp hè ở thành phố Hà Nội trong những năm qua. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố hiện có 92% thôn, làng; 31% tổ dân phố và 24% phường, xã, thị trấn có nhà văn hóa, nhưng Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết: Hầu hết nhà văn hóa thôn, làng chưa bảo đảm về trang thiết bị, nội dung, phương thức hoạt động. Trong khi đó, nhà văn hóa tại các tổ dân phố, do quỹ đất hạn hẹp, nhiều nơi phải sử dụng chung vào các mục đích khác. Đáng nói là khoảng một nửa số nhà văn hóa cấp xã, phường không bảo đảm diện tích tối thiểu. Các trang thiết bị có tính chuyên môn cao như đạo cụ, trang phục biểu diễn, dụng cụ tập luyện thi đấu thể thao hầu như không có và việc tổ chức, hướng dẫn sinh hoạt hè cho thiếu niên, nhi đồng chưa được triển khai nhiều. Còn hệ thống thiết chế văn hóa chuyên dụng cho thanh, thiếu niên, nhi đồng như: Cung thiếu nhi, cung văn hóa - thể thao thanh niên, nhà văn hóa học sinh, sinh viên... luôn trong tình trạng quá tải.

Các điểm vui chơi công cộng cho trẻ trên địa bàn cũng không khả dĩ hơn. Thống kê của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện mới có hơn 200 vườn hoa, sân chơi công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của khoảng 1,8 triệu trẻ em. Không ít điểm vui chơi được xây dựng từ khá lâu, mặt bằng và thiết bị đều đã xuống cấp; nhiều sân chơi còn bị chiếm dụng làm hàng quán, điểm trông giữ, rửa xe... như sân chơi ở các khu tập thể: Thành Công, Giảng Võ (Ba Đình); Kim Liên (Đống Đa)... Ngay cả những nơi giàu tiện ích, đa phương tiện như trung tâm thương mại, không gian vui chơi miễn phí cho trẻ cũng là của hiếm.

Cần sự chăm lo của cả cộng đồng

Sân chơi của khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa) đã được UBND phường treo biển cấm bán hàng, đi xe đạp. Ảnh: Thái Hiền


Thiếu sân chơi không chỉ hạn chế khả năng vận động để giúp trẻ phát triển toàn diện, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ: Tai nạn giao thông, đuối nước khi trẻ vô tư biến ao hồ, sông, suối, đường phố làm nơi vui chơi và trẻ dễ tiếp cận với các trò chơi điện tử vô bổ, độc hại... Vì vậy, tạo sân chơi bổ ích cho trẻ là đòi hỏi cấp thiết, đặt ra với toàn xã hội.

Thực tế những năm qua cho thấy, nơi nào thực sự quan tâm tới nhu cầu chính đáng của trẻ, nơi đó trẻ em được hưởng lợi. Chẳng hạn, quận Đống Đa dù khá eo hẹp về quỹ đất, song với phương thức xã hội hóa, mỗi năm đã lắp đặt được khoảng 20 sân chơi cho trẻ và đến năm 2020, trẻ em trên địa bàn quận sẽ có đủ sân chơi. Hay tại quận Cầu Giấy, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, với sự xuất hiện của nhiều chung cư cao tầng, nhưng địa phương vẫn rất chú trọng dành không gian vui chơi cho trẻ. Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Cầu Giấy Nguyễn Thu Trang cho biết, toàn quận hiện có khoảng 80 sân chơi cộng đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vui chơi thường xuyên của trẻ. Không những vậy, nhiều điểm vui chơi của quận, như Công viên Yên Hòa, Công viên Cầu Giấy... còn là điểm đến yêu thích của rất nhiều thanh, thiếu niên các địa phương lân cận.

Để hỗ trợ các địa phương, những năm qua, Thành đoàn Hà Nội đã phát động chiến dịch xây dựng, tặng sân chơi cho trẻ em nghèo, địa bàn khó khăn và chỉ tính riêng năm 2018, đã xây dựng, làm mới được 159 điểm vui chơi; đồng thời, vận động đoàn thanh niên các quận, huyện, thị xã mỗi năm hỗ trợ, xây mới từ 5 đến 7 sân chơi. Ngoài ra, sự xuất hiện của các nhóm dự án như: Think playgrounds - Nghĩ về sân chơi trong phố; Tổ chức Plan International tại Việt Nam; HealthBridge tại Việt Nam... tham gia lắp đặt, xây dựng không gian vui chơi ngoài trời cho trẻ cũng góp phần cải thiện phần nào “cơn khát” điểm vui chơi giải trí lành mạnh.

Theo bà Chu Kim Đức, đồng quản lý dự án Think playgrounds - Nghĩ về sân chơi trong phố, kinh phí tạo dựng một sân chơi cho trẻ không nhiều (khoảng 10 triệu đồng/sân) và không gian dành cho sân chơi cũng không tốn nhiều diện tích. Nếu quyết tâm, các địa phương đều có thể xây dựng được sân chơi an toàn, thân thiện, giảm nỗi lo đến hè lại không có chỗ chơi cho trẻ.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng sân chơi bổ ích cho trẻ là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Để giải quyết tình trạng thiếu sân chơi, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như của cả cộng đồng, bắt đầu từ việc làm cụ thể, nhỏ nhất, như: Thay mới, lắp đặt trang thiết bị vui chơi; tổ chức các phương thức hoạt động hiệu quả, hữu ích tại các điểm vui chơi... Về lâu dài, việc quy hoạch mạng lưới sân chơi cho trẻ em từ thành thị đến nông thôn cần được tính đến, góp phần tạo ra môi trường lành mạnh, hữu ích cho trẻ em vui chơi, phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân chơi cho trẻ - đến hẹn lại lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.