Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sách giáo khoa lậu lan tràn do đâu?

THANH HẢI - DƯƠNG HIỆP| 29/05/2015 05:48

(HNM) - Tình trạng sách in lậu, đặc biệt là sách giáo khoa (SGK) giả đã và đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc dư luận. Thực tế này không chỉ đe dọa quyền lợi của tác giả, nhà xuất bản mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng


Thực tế này không chỉ đe dọa quyền lợi của tác giả, nhà xuất bản mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Vụ Công ty TNHH MTV Sách - Thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội vừa phát hiện, lập biên bản một công ty phát hành sách in lậu các tài liệu, địa lý, lịch sử Hà Nội sẽ đưa vào giảng dạy cho học sinh Thủ đô trong năm học 2015-2016 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn này...

Sách in lậu có quá nhiều sai sót.



Vì sao sách lậu tràn lan?

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn xã hội xôn xao về tài liệu chuyên đề "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội" dùng cho học sinh lớp 2 của Sở GD-ĐT Hà Nội, do Công ty Sách - Thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội độc quyền phát hành, có những lỗi sai rất sơ đẳng, không thể chấp nhận được. Cụ thể ngay từ bìa lót, hai từ "học sinh" được viết thành "học sing", hình vẽ tranh minh họa rất mờ, chất lượng kém, giấy mỏng, in nhòe...

Để làm rõ vấn đề, phóng viên Báo Hànộimới đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Sách - Thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội. Trả lời các câu hỏi của chúng tôi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bùi Sỹ Hùng bức xúc: "Bản thân công ty cũng là nạn nhân của câu chuyện này". Ông Hùng chia sẻ, không chỉ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội (bộ sách từ lớp 1 đến hết lớp 11, dùng cho học sinh Hà Nội) mà còn hai cuốn sách khác là Lịch sử Hà Nội, Địa lý Hà Nội (dùng cho học sinh tiểu học) cũng bị in lậu và phát hành tràn lan. Đây là nhóm tài liệu sách địa phương sẽ được đưa vào giảng dạy trong năm học tới và do công ty độc quyền phát hành, nhưng đáng buồn là ngay từ khi chuẩn bị phát hành, sách lậu, sách giả đã tuồn ra thị trường, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín cũng như công tác phát hành của công ty. Để đối phó với tình trạng này, thời gian qua, công ty đã cắt cử người theo dõi và tìm ra một đơn vị là Công ty TNHH Sách và Văn hóa phẩm Quảng Lợi (địa chỉ tại số 3 Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang phát hành bộ sách lậu này. "Ngày 26-5, chúng tôi đã lập biên bản xử lý. Nhưng đó mới chỉ là một công ty. Hiện còn rất nhiều đơn vị khác đang âm thầm tuồn sách lậu vào các trường học trên địa bàn. Sức chúng tôi không thể đủ để ngăn chặn vấn nạn này, cần có sự hỗ trợ của nhiều cơ quan chức năng, đặc biệt là các trường học" - ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, tình hình in sách lậu công khai và trắng trợn diễn ra ngày một nhiều, điều đó cho thấy công tác quản lý ở lĩnh vực in ấn bị buông lỏng. Thêm nữa, vì lợi nhuận, chiết khấu % trong công tác phát hành SGK do các công ty tư nhân đưa ra cao hơn gấp nhiều lần so với đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ bảo đảm SGK đến với học sinh là Công ty Sách - Thiết bị trường học Hà Nội. Bởi thế, nên nhiều trường đã trực tiếp ký với các công ty tư nhân, hoặc để đơn vị phát hành trực tiếp bán SGK cho học sinh và được hưởng hoa hồng cao hơn. Họ đặt mua của Công ty Sách - Thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội với số lượng ít nhằm mục đích để lấy hóa đơn, chứng từ rồi trà trộn số lượng lớn sách in lậu vào để phát hành cho học sinh.

Ông Hùng chua xót nói: "Nếu tính đúng, đủ số lượng như Sở GD-ĐT Hà Nội giao nhiệm vụ, chúng tôi sẽ phải chuẩn bị và cung cấp 10 triệu bản SGK cho học sinh Thủ đô mỗi năm (đó chỉ là ở các quận). Nhưng hiện giờ, con số ấy chỉ mới đạt được gần 6 triệu bản". Theo ông Hùng, tính đến ngày 28-5, đã có 12/15 phòng GD-ĐT khu vực Hà Nội (cũ) và 3/15 phòng GD-ĐT vùng Hà Tây (cũ) đã phối hợp với công ty để triển khai công tác phát hành SGK cho học sinh. Vẫn còn một số phòng GD-ĐT Ba Đình, Thanh Trì, Mê Linh và các đơn vị trên địa bàn Hà Tây cũ (trừ 3 phòng GD-ĐT huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Quốc Oai) và một số nhà trường không triển khai phối hợp thực hiện nhiệm vụ cùng công ty. Điều này dẫn đến việc sách cung cấp cho các em học sinh tại một số cơ sở giáo dục có sách in lậu, không bảo đảm chất lượng và sách có nội dung không đúng quy định của Bộ, Sở.

Cần sự chung tay

Liên quan đến công tác phát hành sách, trong câu chuyện với chúng tôi, cô giáo Chu Thị Kim Phượng, thủ thư Trường THCS Ngô Sĩ Liên, người có hàng chục năm gắn bó với nghề và với công tác phát hành sách cho biết, nếu như làm việc với cái tâm, lo cho chất lượng dạy và học thì chắc chắn sẽ không có kẽ hở để sách lậu tuồn vào trường học. Cô Phượng cho biết, để cung cấp sách cho các em học sinh vào năm học mới, căn cứ vào công văn chỉ đạo của cấp trên, trường sẽ phổ biến đến từng lớp học, sau đó lên kế hoạch, số lượng và báo về cho Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm. Từ đó thông báo cho Công ty Sách - Thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội để công ty đóng bộ, chuyển trực tiếp cho trường. "Cũng có nhiều khi điện thoại di động của mình rung liên hồi. Các công ty phát hành sách tư nhân liên tục gọi, nhất là vào thời điểm chuẩn bị kết thúc năm học. Họ mời chào mình, nào là giá rẻ, nào là tỷ lệ hoa hồng cao. Nhưng mình yêu cầu, về việc này, công ty nên trao đổi với phòng hoặc hiệu trưởng nhà trường trước để thẩm định chất lượng. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo, mình sẵn sàng hợp tác. Một lần, hai lần vẫn nhận được thái độ kiên quyết của mình nên họ chán" - cô Phượng cho biết thêm.

Thực tế, công tác phát hành SGK đã được Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo triển khai rất bài bản. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ đầu tháng 4-2015, Sở đã có công văn gửi tới các phòng GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc và Công ty Sách - Thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội hướng dẫn việc phát hành. Theo đó, trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã, hiệu trưởng các trường học, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Công ty Sách - Thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội lên kế hoạch, lựa chọn phương thức phát hành SGK, thiết bị dạy học tối thiểu và các ấn phẩm giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT phù hợp với đơn vị nhằm phục vụ tốt nhất theo yêu cầu của học sinh. Trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã, hiệu trưởng các trường học và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở GD-ĐT, trước pháp luật về việc phát hành SGK, các ấn phẩm giáo dục không đúng quy định của Bộ. Đối với Công ty Sách - Thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội phải xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tốt công tác phát hành SGK, thiết bị dạy học tối thiểu và các ấn phẩm giáo dục khác phục vụ nhu cầu các trường học và các đơn vị giáo dục trên địa bàn thành phố; chủ động phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban có liên quan để tổ chức và quản lý tốt công tác phát hành này...

Công văn, ý kiến chỉ đạo là vậy, nhưng trên thực tế vẫn còn phòng giáo dục, trường học trên địa bàn đã không triển khai. Hậu quả là sách lậu in mờ chữ, nhòe nét, đóng sai và lệch trang giấy... đã đến tay học sinh. Việc này không chỉ gây ra những hiểu lầm về nội dung và trẻ sẽ bị lệch lạc trong việc thu nhận kiến thức; phụ huynh phải chi nhiều tiền mua sách hơn vì sách giả dễ bị rách, bong tróc gáy sau thời gian ngắn sử dụng mà còn làm tổn hại uy tín của ngành giáo dục, của các nhà giáo. Ngoài những tác hại này, việc lựa chọn sách lậu cũng chính là hành động tiếp tay cho cách làm ăn bất chính trên công sức những nhà làm sách tâm huyết, tiếp tay cho tình trạng ăn cắp bản quyền, gây ảnh hưởng đến uy tín của các nhà xuất bản làm ăn chân chính.

Trở lại với câu chuyện phát hiện, lập biên bản Công ty sách Quảng Lợi, nhằm ngăn chặn và thu hồi số sách lậu này, Công ty Sách - Thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội đã có thông báo gửi tới các phòng giáo dục, trường học trên địa bàn để biết và không tiêu thụ, cung cấp cho học sinh. Đó là biện pháp cần nhưng mới chỉ giải quyết phần ngọn. Vấn đề hiện nay là cần những chế tài mạnh, sự vào cuộc của cơ quan pháp luật. Thêm nữa là quyết tâm của tất cả các trường, nói "không" với sách lậu mới hy vọng ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sách giáo khoa lậu lan tràn do đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.