Theo dõi Báo Hànộimới trên

Romania: Chính trường lại nổi sóng

Quỳnh Chi| 23/02/2014 05:45

(HNM) - Sau hơn một năm tạm thời yên ổn, chính trường Romania lại có dấu hiệu nổi sóng vì những tranh cãi xung quanh việc bổ nhiệm vị trí Phó Thủ tướng, đang đe dọa làm sụp đổ Chính phủ nước này.

Khác với cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra trước bầu cử Quốc hội tháng 12-2012 do mâu thuẫn giữa Tổng thống Traian Basescu - người lãnh đạo đảng Tự do dân chủ (LD) và Thủ tướng Victor Ponta - đứng đầu Liên minh Tự do - Dân chủ xã hội (SLU), nguyên nhân bất ổn lần này nảy sinh ngay trong nội bộ SLU cầm quyền. Căng thẳng bắt đầu từ khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Daniel Chitoiu từ chức ngày 7-2 do vợ ông này bị điều tra về cáo buộc tham nhũng. Ngay lập tức các thành viên đảng Tự do đã đề cử Thị trưởng Sibiu thuộc vùng Transylvania, là ông Klaus Iohannis làm Phó Thủ tướng kế nhiệm. Tuy nhiên, Thủ tướng V.Ponta - người thuộc phe Dân chủ xã hội lại không chấp thuận đề cử này. Phản ứng trước quyết định của Thủ tướng V.Ponta, lần lượt các thành viên của đảng Tự do trong nội các như Bộ trưởng Tài chính Daniel Chitoiu và Bộ trưởng Kinh tế Andrei Gerea đã từ chức. Chủ tịch Thượng viện Crin Antonescu, người đang dẫn dắt đảng Tự do cũng đã đe dọa sẽ hạ bệ Chính phủ của Thủ tướng V.Ponta nếu ông Iohannis không được bổ nhiệm trước ngày 24-2.

Dấu hiệu bất ổn chính trị đe dọa lộ trình cải cách của Buchaest.


Trên thực tế, tình trạng tranh giành quyền lực vẫn âm ỉ diễn ra tại quốc gia nghèo thứ hai của Liên minh Châu Âu (EU) này từ nhiều tháng qua. Nhiều vị trí như viện trưởng kiểm sát, chánh án cùng các thành viên Tòa án tối cao đều mất rất nhiều thời gian mới tìm được người đảm nhiệm vì mâu thuẫn giữa ba nhà lãnh đạo cấp cao nước này gồm Tổng thống T.Besecu, Thủ tướng V.Ponta và Chủ tịch Thượng viện C.Antonescu. Tuy nhiên, nhằm tránh những tác động tiêu cực về mặt kinh tế - xã hội như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng chính trị năm 2012, suốt một năm qua, các bên đã cố gắng tìm tiếng nói chung để thu hẹp khoảng cách bất đồng. Nhờ vậy, nền kinh tế Romania đã lấy lại mức tăng trưởng của thời kỳ trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra năm 2008 và dự kiến năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này ước tính sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 1989, tức khoảng 2,2% trong khi lạm phát trung bình ở mức 2,4%, dự trữ ngoại tệ đạt trên 34,562 tỷ euro. Ngoài ra, các chính sách vĩ mô cũng được cải thiện và phát huy hiệu quả đã giúp hệ thống tài chính, ngân hàng hoạt động ổn định, đồng lei nội tệ giữ được giá trị. Với những phát triển về kinh tế, bước đầu đời sống của người dân cũng được cải thiện, chất lượng cuộc sống nâng lên. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ về tài chính của EU cũng giúp cơ sở hạ tầng phát triển khá nhanh.

Trong bối cảnh như vậy, không ít người lo ngại những mâu thuẫn trong nội bộ liên minh cầm quyền sẽ bùng nổ, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới với những hậu quả trực tiếp cho các lộ trình phát triển đã đặt ra trong thời gian tới. Theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - định chế vừa cấp cho Romania gói cứu trợ dự phòng trị giá 1,98 tỷ euro trong vòng hai năm - Bucharest phải cam kết cải cách cơ cấu, trong đó có việc nâng cấp hệ thống y tế, phúc lợi như tăng lương hưu thêm 3,76% theo chỉ số giá cả; nâng lương cho các bác sĩ nội trú và lao động trẻ trong ngành giáo dục; giảm tiếp 5% các khoản đóng góp an sinh xã hội; giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với thực phẩm, đồng thời tăng lương tối thiểu thêm 12,5%...

Nếu thực hiện tốt các mục tiêu đã cam kết, các chuyên gia kinh tế tin rằng Romania sẽ nhanh chóng thanh toán hết món nợ đang ở mức trên 50 triệu euro, chiếm 37,9% GDP. Nhưng, điều này còn phụ thuộc vào tình hình chính trị của nước này. Nếu căng thẳng giữa các đảng trong liên minh cầm quyền tiếp tục leo thang, không gì có thể bảo đảm lộ trình cải cách của Romania sẽ không chệch hướng, đẩy đất nước trở lại tình trạng bất ổn khó lường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Romania: Chính trường lại nổi sóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.