Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rèn luyện đạo đức công vụ hằng ngày

Quốc Bình| 13/05/2013 05:59

(HNM) - Hàng trăm cán bộ, đảng viên các cơ quan TƯ vừa có đợt sinh hoạt chính trị quan trọng thông qua hội thi thuyết trình

Thông qua các bài thuyết trình giàu cảm xúc, tấm gương Hồ Chí Minh về đạo đức, phong cách của người cán bộ không chỉ được tuyên truyền sâu rộng mà mỗi cán bộ, đảng viên còn ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình.

Các tác giả đoạt giải tại hội thi. Ảnh: Minh Châu


Trong bài thuyết trình ấn tượng, Vũ Thị Châu Hạnh (Đảng bộ Văn phòng Quốc hội) nhắc lại, Bác từng dạy "trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của dân. Trong xã hội, không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân". Theo chị Hạnh, mỗi cán bộ, công chức làm việc tại Văn phòng Quốc hội cần thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại để thấu hiểu nhân dân. Đơn cử như trong giải quyết khiếu nại tố cáo, phải nhận thức rõ rằng: "Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng mà khiếu nại". Cán bộ tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo cần vào cuộc tận tâm, giải quyết cho nhanh, cho tốt, không để vụ việc kéo dài. Như vậy mới thực sự thể hiện tốt vai trò, đạo đức của người cán bộ trong thực thi công vụ.

Trong bài thuyết trình đoạt giải nhất hội thi của Đảng bộ Khối các cơ quan TƯ, từ góc nhìn của người cán bộ thanh tra, thí sinh Trần Thị Liên (Đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo lời Bác dạy, người cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi, gương mờ thì không soi được… Cán bộ thanh tra còn là tai, mắt của Đảng và Chính phủ. Nên tai, mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt. Vì vậy, cán bộ thanh tra Bộ LĐ-TB&XH này khẳng định, đối với bất kỳ việc gì, cán bộ thanh tra cũng phải xem xét tỉ mỉ, chính xác, khoa học, khách quan. Trong công việc phải luôn đề cao chữ "liêm", vì lợi ích của Đảng, của nhân dân để phục vụ.

Các bài thuyết trình khác cũng đã làm nổi bật những nội dung đạo đức công vụ theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mỗi CBCC cần học tập, làm theo. Nhiều ý kiến khẳng định, đối với người cán bộ, đảng viên, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức công vụ là việc cần thực hiện bền bỉ "như rửa mặt hằng ngày". Bác Hồ từng chỉ rõ: Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, mà phải do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Học tập đạo đức công vụ theo gương Bác Hồ còn là biện pháp "tu thân", người cán bộ cần tìm ra điểm yếu, điểm mạnh để có cách thực hành, phấn đấu cụ thể.

Các bài thi đều toát lên ý nghĩa của cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác, mỗi cán bộ, công chức trước hết phải tự ý thức được vị trí, vai trò của mình, gương mẫu trong việc chấp hành kỷ cương, đường lối, tự giác tuân thủ kỷ luật của cơ quan, giữ vững nền nếp công tác. Đồng thời, mỗi người, trong công việc, phải kiên trì làm từ những việc nhỏ đến việc lớn, từ những việc đơn giản đến phức tạp; không ngừng cầu tiến bộ, vươn lên bằng ý chí. Thí sinh Lê Thu Anh (Đảng bộ Bộ Tư pháp) tâm đắc: "Từ đạo làm người, Bác đã truyền cho chúng ta nhận thức và nguồn cảm hứng, sức mạnh tinh thần để vươn tới những giá trị cao quý vẻ vang của đạo làm cán bộ".

Với nhiều dẫn chứng cụ thể, nhiều tư liệu, bài học và kinh nghiệm quý giá, các hội thi thuyết trình "Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ" đã trở thành một kênh tuyên truyền hiệu quả. Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TƯ Trần Hồng Hà nhận định: Hội thi thuyết trình đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nhất là đạo đức công vụ, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm trong công việc của cán bộ, đảng viên, CCVC và quần chúng trong các cơ quan TƯ.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ là một bộ phận cấu thành hữu cơ trong toàn bộ di sản tư tưởng đạo đức của Người. Bác không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn là một tấm gương về đạo đức cách mạng nói chung và đạo đức công vụ nói riêng. Tư tưởng của Người về đạo đức công vụ đã đặt nền móng cho việc xây dựng, hoàn thiện và phát triển một nền công vụ dân chủ, hiện đại ở Việt Nam. Tư tưởng đó của Bác tiếp tục có ý nghĩa thời sự, nhất là khi Đảng ta đang tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", cũng như hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách nền hành chính Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rèn luyện đạo đức công vụ hằng ngày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.