(HNM) - Năm 2017 là một năm
Đón đầu nhiều chương trình quốc tế
Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo là một trong những yêu cầu được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh tại buổi lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 của ngành Giáo dục Thủ đô. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND thành phố, thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã quyết liệt đổi mới toàn diện trên tất cả các mặt theo hướng sâu sát, hiệu quả; đón đầu triển khai nhiều mô hình đào tạo mở, tiên tiến...
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị: Ngành Giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những mô hình dạy học hiệu quả của thế giới để vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện của Thủ đô; đặc biệt quan tâm nâng cao vốn ngoại ngữ cho học sinh để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Thủ đô và đất nước...
Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Chủ trương ấy đã được ngành Giáo dục Thủ đô cụ thể hóa trong nhiều hoạt động của ngành. Năm học 2017-2018, lớp đào tạo chương trình song bằng (tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc) đầu tiên đã khai giảng tại Trường THPT Chu Văn An. Học sinh khi tốt nghiệp không chỉ đạt yêu cầu về kiến thức văn hóa, ngoại ngữ, mà còn được trang bị kỹ năng cần có của một công dân hiện đại. Cho đến nay, Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước tổ chức giảng dạy theo chương trình này, với mục đích tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh hội nhập và quốc tế hóa chuẩn đào tạo hệ THPT.
Cũng trong năm học 2017-2018, trước nhu cầu ngày càng cao của học sinh, Hà Nội đã mở rộng triển khai chương trình tin học quốc tế MOS tại 6 trường THPT và một số trường tiểu học, THCS thuộc hai quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm. Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, ngoài tiếng Anh, kỹ năng tin học là yêu cầu không thể thiếu đối với học sinh tốt nghiệp THPT. Chứng chỉ "đầu ra" của chương trình tin học MOS được công nhận trên toàn cầu, được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận tương đương với Chứng chỉ tin học nâng cao, được miễn học môn tin học ở nhiều trường đại học trong và ngoài nước, có giá trị quốc tế cao, đặc biệt là tại Mỹ. Đây là căn cứ để Hà Nội tự tin mở rộng chương trình tin học quốc tế tại các nhà trường với mong muốn trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cơ bản, vững tin bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế.
Đi một ngày đàng...
Các trường học đã chủ động triển khai chương trình đào tạo quốc tế phù hợp với năng lực của học sinh và điều kiện của nhà trường. Với điều kiện cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, nhiều trường học ngoài công lập như Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiểu học Đoàn Thị Điểm... đã thực hiện theo mô hình trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm nhận định: Cho học sinh tiếp cận với ngoại ngữ, tin học và các chương trình đào tạo quốc tế từ sớm là tạo thuận lợi cơ bản để các em trở thành công dân hội tụ đủ điều kiện tham gia vào bất cứ thị trường lao động nào.
Đó là với các trường học có điều kiện cơ sở vật chất tốt, gia đình học sinh khá giả; với các trường còn khó khăn, việc tổ chức giảng dạy ngoại ngữ, tin học và chương trình đào tạo quốc tế liệu có khả thi?
Cuối tháng 10-2017, cô giáo Đỗ Thị Tuyết Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thái (quận Tây Hồ) cùng một nhóm học sinh đã có một chuyến đi Singapore bổ ích. Đây là lần đầu tiên cô và trò của một trường học nằm trên địa bàn một phường khó khăn nhất quận Tây Hồ được "xuất ngoại". Theo anh Nguyễn Vũ Linh (phụ huynh nhà trường), các con đã gặt hái được nhiều điều: Phản xạ nói tiếng Anh nhanh hơn, vốn tiếng Anh nhiều hơn, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm tốt hơn... Đáng chú ý, sau chuyến đi, hầu hết các con đều có chuyển biến đáng kể về ý thức, trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh; mạnh dạn bày tỏ chính kiến, tự tin hơn.
Cô giáo Đỗ Thị Tuyết Nga cho biết: "Ước mơ đưa học sinh ra nước ngoài học tập đã được ấp ủ từ rất lâu với mong muốn trang bị cho các con kiến thức, kỹ năng... Nhưng ở một ngôi trường hơn 700 học sinh chủ yếu đều là con em gia đình chưa khá giả, điều này thực sự khó. Khi đưa ra ý kiến, không ít người đã phản đối, cho rằng sẽ mất công, lãng phí... Tuy nhiên, điều đó càng thúc giục tôi thực hiện ước mơ của mình. Các con có 7 ngày học tại một trường ngoại ngữ ở nước bạn với lịch học dày đặc: Sáng học tiếng Anh trên lớp, chiều tham gia các hoạt động trải nghiệm để thực hành những kiến thức đã học. Các con phải tự lập, từ việc tìm đường đến trường, đi tàu điện đến việc xây dựng kế hoạch hoạt động nhóm, liên hệ với giáo viên... Thời gian có hạn, các con phải huy động tối đa vốn tiếng Anh và các kỹ năng cần thiết để có thể xử lý vấn đề nhanh nhất, không để ảnh hưởng tới tập thể".
Kết quả ấy là minh chứng cho việc: Dù là học trò "trường làng", song các em vẫn có thể tiếp cận được với những con người, nền văn hóa hiện đại, chỉ cần có sự tin tưởng và đồng thuận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.