Hà Nội kết nối

Tuyển sinh ĐH năm 2024 phía Nam: Tiềm năng đào tạo nhân lực ngành Vi mạch rất lớn

Thanh Tàu 22/02/2024 - 11:27

Năm học 2024-2025, nhiều trường Đại học (ĐH) phía Nam đã đầu tư, mở mã ngành và bắt đầu kế hoạch tuyển sinh, đào tạo kỹ sư vi mạch bán dẫn, nhằm nắm bắt xu hướng, nhu cầu thị trường.

45266.jpg
Giảng viên Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) hướng dẫn nhóm nghiên cứu thiết kế, đo kiểm vi mạch tại phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần. Ảnh. T.A

Nhu cầu mới

Năm nay, ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức triển khai đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn ở ba trường gồm: Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Công nghệ thông tin (xét tuyển 150 chỉ tiêu với hai tổ hợp môn xét tuyển A00 và A01).

382949594.jpg
Sinh viên ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đang học thực hành.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 có 2 chuyên ngành mới là thiết kế vi mạch, digital marketing; Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) mở ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn; Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cũng mở ngành thiết kế vi mạch.

Em Trần Trung Kiên, học sinh lớp 12A (Trường THPT Nguyễn Du, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, năm nay em đăng ký ngành vi mạch bán dẫn tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, bởi em và gia đình nhận định ngành này sẽ sớm phát triển ở Việt Nam, khả năng tìm được việc làm có thu nhập tốt cũng sẽ lớn hơn.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện ĐH Quốc gia đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Từ 2023-2030, đơn vị đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.

Cụ thể, các trường ĐH thành viên triển khai đào tạo hơn 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. Đặc biệt, xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Còn PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, có khoảng 50 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi mạch bán dẫn. Các chuyên gia kinh tế dự báo 5 năm tới, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn sẽ cần 20.000 người và 10 năm tới, nhu cầu nhân lực có thể là 50.000 người từ trình độ ĐH trở lên.

Hiện số nhân lực thiết kế vi mạch tại Việt Nam có khoảng 5.000 người, nhu cầu mỗi năm tăng 10-15%. Trong đó, chủ yếu là kỹ sư thiết kế, kiểm thử, khoảng 30% trong số này có trình độ sau ĐH. Dự kiến thời gian tới, nhu cầu nhân lực ngành này sẽ tăng hơn.

Thách thức mới

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho hay, trong xu thế phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trường đã có những chính sách phát triển hoạt động đào tạo hướng đến cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường.

787879.jpg
Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) và Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế SUN EDU ký kết về việc xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch.

Nhà trường và Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế SUN EDU thực hiện ký kết hợp tác chiến lược về việc xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn tại trường. Cụ thể, hai bên sẽ tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, cung cấp kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành cho sinh viên. Qua đó, nâng cao năng lực và chuẩn bị cho họ trở thành những chuyên gia chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn; xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư vi mạch một cách toàn diện, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường lao động.

Cũng theo TS Lâm Thành Hiển, trong thời gian tới, nhà trường sẽ cử đoàn hơn 20 giảng viên và sinh viên tham gia khóa đào tạo thiết kế vi mạch tại Trường ĐH Nam Đài Loan (học bổng do doanh nghiệp và chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) tài trợ). Trường tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo. Bên cạnh việc tự trang bị, trường còn được doanh nghiệp hợp tác chuyển giao một số máy móc thiết kế, chế tạo vi mạch đang sử dụng trong sản xuất để phục vụ đào tạo cho sinh viên.

396579422.jpg
Trường ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu các mô hình chíp.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trường đã và đang điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Đưa ra nhiều chính sách, phúc lợi để thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên, hoàn thiện cơ sở vật chất, phòng học, phòng thí nghiệm được đầu tư đồng bộ để mang đến môi trường dạy và học tốt nhất cho ngành Thiết kế vi mạch.

Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đại học nêu trên cũng đã nhận diện được nhiều khó khăn, thách thức trong đào tạo ngành thiết kế vi mạch như vấn đề thu hút người học, chương trình đào tạo, thiếu chuyên gia giỏi đầu ngành, thiếu hệ thống các phòng thí nghiệm về thiết kế vi mạch để các phần mềm chia sẻ có thể dùng chung, sự hợp tác giữa trường ĐH ở Việt Nam với các doanh nghiệp hay hợp tác “ba nhà” cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng, làm sao để doanh nghiệp đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển)…

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, theo PGS.TS Vũ Hải Quân, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, gồm chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các trường ĐH nên hợp tác với nhau, đồng thời hợp tác với doanh nghiệp để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh ĐH năm 2024 phía Nam: Tiềm năng đào tạo nhân lực ngành Vi mạch rất lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.