Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rào cản đáng lo ngại

Quỳnh Dương| 20/02/2018 08:09

(HNM) - Sau 3 ngày làm việc căng thẳng, Hội nghị An ninh Munich (MSC) thường niên lần thứ 54 tổ chức tại Đức đã bế mạc ngày 18-2, với nhiều sáng kiến được đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu.

Xung đột sẽ tiếp tục “nóng” tại nhiều khu vực trong năm 2018.


Diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các vấn đề an ninh cần được quan tâm, hội nghị lần này quy tụ hơn 500 quan chức trên thế giới, trong đó có Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, các Ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis...

Hàng loạt nội dung như xung đột tại Trung Đông, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, các nỗ lực của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn đã được thảo luận. Nhiều tầm nhìn, sáng kiến và nghị quyết đã được chia sẻ như một hiệp định an ninh mới giữa EU và Anh sau khi London rời khỏi mái nhà chung, tuyên bố chung về an ninh mạng của 9 tập đoàn lớn trên thế giới...

Tuy nhiên, để có thể xây dựng những bước đi cụ thể, các quốc gia cần vượt qua nhiều trở ngại, trong đó sự chia rẽ đang là thách thức hàng đầu. Qua các phiên thảo luận, căng thẳng giữa các nước luôn coi nhau là "đối thủ" hay mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn đã rạn nứt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức tiếp tục "làm nóng" diễn đàn Munich 2018.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel một mặt hối thúc Mỹ và Châu Âu củng cố mối quan hệ đồng minh truyền thống, mặt khác tiếp tục chỉ trích chính sách "Nước Mỹ trên hết". Điều này cho thấy, sau một năm, quan hệ giữa Mỹ và Châu Âu vẫn chưa được cải thiện, dù Ngoại trưởng Đức đã công du Washington tới 4 lần trong năm qua.

Munich 2018 cũng trở thành diễn đàn công kích lẫn nhau giữa Israel và Iran liên quan đến căng thẳng leo thang giữa hai nước sau vụ một máy bay chiến đấu của Tel Aviv bị trúng tên lửa được cho là phóng từ Syria vào ngày 10-2. Thủ tướng Israel B.Netanyahu thể hiện lập trường cứng rắn rằng, nước này sẽ chủ động hành động đối phó với Iran, chứ không chỉ riêng Syria.

Đáp lại, Ngoại trưởng Iran J.Zarif tuyên bố Israel đã coi chủ trương gây hấn làm chính sách chống lại các quốc gia láng giềng, đồng thời cáo buộc Tel Aviv có hành động trả đũa quy mô lớn nhằm vào các nước lân cận.

Trong ngày cuối cùng của hội nghị, tranh cãi tiếp tục nổ ra giữa Nga và các nước phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine. EU và Mỹ đồng ý tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga đến khi có thể đạt được một lệnh ngừng bắn ở phía Đông Ukraine, với sự giúp đỡ của các nhân viên gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ủng hộ các biện pháp tăng cường lực lượng sát biên giới Nga bất chấp sự phản đối của Mátxcơva. Về vấn đề Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov một lần nữa bác bỏ nghi vấn trên, cho rằng những cáo buộc là vô căn cứ và bịa đặt.

Theo dự báo của nhiều nhà phân tích, 2018 tiếp tục là năm đầy thách thức với thế giới, khi môi trường cạnh tranh quốc tế căng thẳng tạo ra những rủi ro địa chính trị, cũng như về vấn đề an ninh. Muốn vượt qua những nguy cơ, thách thức này phải có một sự hợp lực toàn cầu.

Đúng như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nói trong thông điệp nhân dịp năm mới: "Thế giới hoàn toàn có thể chấm dứt được các cuộc xung đột, vượt qua sự hận thù và bảo vệ những giá trị chung, nhưng điều này chỉ có thể làm được thông qua sự đoàn kết. Đây là con đường và tương lai của chúng ta phụ thuộc vào điều này".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rào cản đáng lo ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.