Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rác thải tồn đọng ở khu vực ngoại thành: Vấn nạn chưa có hồi kết

Thúy Nga| 08/01/2014 06:50

(HNM) - Do việc thu gom, vận chuyển, xử lý chưa được thực hiện phù hợp, triệt để nên ở khu vực ngoại thành Hà Nội luôn có rác thải tồn đọng, làm mất mỹ quan làng xóm và gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng này diễn ra từ lâu song chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm.

Ven các trục đường giao thông, mương máng, khu dân cư, điểm tập kết rác tập trung trên địa bàn huyện Thạch Thất hiện tồn đọng lượng rác thải khá lớn, khoảng trên 1.000 tấn với đủ loại rác thải bốc mùi nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh mầm mống dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống người dân. Theo ông Phí Văn Hưng, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thạch Thất, tình trạng trên bắt đầu phát sinh từ ngày 11-12-2013 khi người dân cản trở việc tiếp nhận rác tại bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây), gây ảnh hưởng đến công tác thu gom, vận chuyển rác thải của địa phương. UBND huyện Thạch Thất đã có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn chủ động xử lý tại chỗ để hạn chế ô nhiễm, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm cho người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nhưng do lượng rác phát sinh lớn, trong khi công tác vận chuyển rác lại bị tê liệt nên tồn đọng nhiều.


Tình trạng này cũng diễn ra tại một số địa phương khác. Tại khu vực cầu 72 bắc ngang qua sông Đáy nối xã Vân Côn (Hoài Đức) với xã Cộng Hòa (Quốc Oai) từ lâu đã biến thành nơi tập kết rác của người dân khu vực. Rác không chỉ đổ tràn ra đường, cản trở giao thông mà còn trút xuống sông làm thu hẹp dòng chảy, gây ô nhiễm. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần tổ chức thu dọn, cắm biển cấm nhưng người dân vẫn vi phạm. Vào mùa mưa, nước chảy từ đống rác, phế thải xây dựng lênh láng mặt đường. Thời tiết hanh khô như hiện nay, rác phân hủy bốc mùi khó chịu, mỗi khi có cơn gió là mùi hôi thối xộc vào nhà dân...

Thực tế là nhân dân khu vực ngoại thành đều muốn rác thải được thu gom, vận chuyển, đưa đi xử lý. Thế nhưng khi gặp sự cố hoặc phản ứng từ phía người dân tại khu xử lý rác tập trung là rác thải tồn đọng ngay trong khu dân cư. Tìm giải pháp thu gom, xử lý rác thải cho nông thôn Hà Nội đang là bài toán đau đầu cho các nhà quản lý khi các bãi xử lý rác lớn của thành phố dường như quá tải, trong khi việc xử lý rác thải tại khu vực nông thôn chủ yếu vẫn tồn tại dưới hình thức chôn lấp tạm thời, không hợp vệ sinh.

Ông Phạm Thiện Tài, Chủ nhiệm HTX Thành Công, đơn vị đang đảm nhiệm công tác thu gom rác thải trên địa bàn huyện Thạch Thất cho biết, để giảm tải tối đa việc chôn lấp rác thải trong nông thôn và tăng tỷ lệ tái chế, sử dụng, cần áp dụng các mô hình xử lý hiệu quả như ủ, dùng men vi sinh xử lý phân chuồng trong chăn nuôi vừa giảm mùi hôi vừa tạo phân hữu cơ, vi sinh có tác dụng tốt cho đất và cây trồng. Hoặc như phương pháp dùng hầm ủ biogas - một loại khí đốt sinh học được tạo ra khi phân hủy phân thải của gia súc, dùng phục vụ sinh hoạt trong gia đình, chất thải sau khi ủ có thể bón cho cây trồng. Với chất thải rắn, thay vì chôn lấp, thành phố nên khuyến khích áp dụng phương pháp đốt. Đồng quan điểm với ông Tài, lãnh đạo một số địa phương cho rằng, thành phố nên dựa vào những nghiên cứu cụ thể về đặc trưng chất thải rắn ở từng địa phương, để chọn lựa phương pháp xử lý chất thải rắn phù hợp nhằm bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc phân loại chất thải rắn nông thôn hiện chưa được thực hiện tại nguồn, một số nơi thiếu các điểm tập kết rác tập trung... làm ảnh hưởng đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Theo thống kê, rác thải sinh hoạt tại khu vực ngoại thành khoảng 2.300 tấn/ngày. Địa bàn này có 16 đơn vị tham gia công tác vệ sinh môi trường, song cũng mới thực hiện thu gom được khoảng 75-80% rác thải phát sinh.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rác thải tồn đọng ở khu vực ngoại thành: Vấn nạn chưa có hồi kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.