Môi trường

Rác thải nhựa dự kiến lên đến hơn 1 tỷ tấn vào năm 2060

Thương Nguyệt 29/10/2024 - 18:02

Các quốc gia có thể nhất trí vào tháng 12 về một hiệp ước đầu tiên trên thế giới nhằm giảm lượng nhựa thải ra môi trường. Nếu không có biện pháp nào được thực hiện, lượng rác thải nhựa dự kiến ​​tăng gấp ba vào năm 2060.

qfcyojifarkg3mw4ftpcatzpuq.jpg
Rác thải nhựa vẫn là một trong những vấn đề "nóng" đối với môi trường. Ảnh: Reuters

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, lượng polyme tổng hợp toàn cầu - thành phần tạo nên nhựa - đã tăng gấp 230 lần kể từ những năm 1950. Giai đoạn từ năm 2000 đến 2019, tổng khối lượng rác thải nhựa thải ra trên toàn cầu đã tăng gấp đôi, từ 156 triệu tấn lên 353 triệu tấn.

Dự kiến ​​con số kể trên sẽ tăng gần gấp ba lần, lên hơn 1 tỷ tấn ở năm 2060. Hơn 2/3 lượng rác thải này là những sản phẩm có tuổi thọ dưới 5 năm như bao bì nhựa, sản phẩm tiêu dùng và hàng dệt may.

Theo AFP, mức tăng trưởng trong sản xuất nhựa chủ yếu diễn ra ở Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc. Đại dịch toàn cầu Covid-19 và các cuộc khủng hoảng kinh tế cũng góp phần dẫn đến những tác động đáng chú ý trong hoạt động tiêu thụ nhựa.

Đầu tiên là sự gia tăng tiêu thụ nhựa dùng một lần tại các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bán lẻ thực phẩm và thương mại điện tử. Tiếp đó là quá trình suy giảm của các ngành chịu ảnh hưởng bởi lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu như ô tô và xây dựng.

OECD cho biết, 22 triệu tấn nhựa đã thải ra môi trường ở năm 2019, trong đó có 6 triệu tấn được phát hiện tại các sông, hồ và đại dương. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nhựa chiếm “ít nhất 85% tổng lượng rác thải trên biển”.

Phần lớn rác thải nhựa trên thế giới có nguồn gốc từ hoạt động quản lý chất thải kém, cùng các nguồn khác như xả rác, vi nhựa… Chỉ 9% rác thải nhựa trên thế giới được tái chế, 19% được đốt cháy và gần 50% được chuyển đến các bãi chôn lấp có kiểm soát. 22% còn lại nằm tại các bãi rác bất hợp pháp, bị đốt ngoài trời hoặc thải ra môi trường, gây nguy cơ lớn cho sức khỏe con người.

OECD đánh giá, những tác động của rác thải nhựa đến môi trường, khí hậu và sức khỏe con người đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Nhựa tích tụ trong môi trường không thể phân hủy sinh học và phải mất hàng trăm năm để phân hủy. UNEP cũng tuyên bố, nhựa tác động lớn đến các loài sinh vật biển, gây ảnh hưởng tới đất và nước ngầm, do đó để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Đáng lo ngại hơn, nhựa cũng thải ra lượng khí thải carbon đáng kể. Theo OECD và UNEP, vào năm 2019, nhựa đã tạo ra 1,8 tỷ tấn khí nhà kính làm nóng hành tinh, tương đương 3,4% tổng lượng khí thải toàn cầu. Khoảng 90% lượng khí thải này đến từ hoạt động sản xuất và chế biến nhựa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rác thải nhựa dự kiến lên đến hơn 1 tỷ tấn vào năm 2060

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.