Q(HNMO) - Ngày 22-7, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ra mắt tác phẩm “Nhà văn và chữ tình gởi lại” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam) của Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú.
Đây là tập ký ức văn học dung lượng gần 300 trang ghi lại những kỷ niệm đời thường của các nhà văn, nhà thơ mà tác giả đã gặp, có mối quan hệ thân quen.
Nhà văn Trình Quang Phú sinh năm 1940 tại An Chấn, Tuy An, Phú Yên. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế, Viện sĩ Viện Hàn lâm các vấn đề xã hội Cộng hòa Liên bang Nga; Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông...
Thời chiến tranh, năm 1966-1967, Trình Quang Phú là nhà báo, phóng viên quân sự trực chiến trên Mặt trận đường 5 (Hà Nội - Hải Phòng). Những kỷ niệm trực tiếp chiến đấu, bảo vệ người dân được nhà báo - người lính trẻ Trình Quang Phú phản ánh kịp thời trên Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân... Đến nay, ông đã xuất bản trên 20 đầu sách đa dạng về thể loại, chủ đề...
Tất cả hình ảnh, chuyện đời thường trong cuốn sách là “nét thời gian” được giữ lại, là chữ tình mến yêu gửi hôm nay và mai sau. Bắt đầu từ những trang ký đầu tiên được viết vào khoảng năm 1959-1960, nhà văn đã có dịp gặp gỡ nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi.
25 bài viết trong cuốn sách thể hiện góc nhìn dung dị, tỉ mỉ và sâu sắc của nhà văn về các văn nghệ sĩ nổi tiếng: Văn Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Anh Thơ, Lưu Trọng Lư, Lê Anh Xuân, Quang Dũng, Bảo Định Giang, Thanh Hải, Thu Bồn, Nguyễn Mỹ... Ngoài những bài viết công phu, cuốn sách còn giới thiệu chân dung một số nhà văn và nghệ sĩ với nguồn tư liệu quý về ảnh, ảnh bút tích, thông tin cá nhân, tác phẩm...
Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú, chia sẻ: Tôi may mắn là được quen, được sống với nhiều nhà văn, nhà thơ, và tôi muốn ghi chép lại những kỷ niệm đó để lại cho thế hệ trẻ sau này được đọc lại. Qua cuốn sách này tôi muốn gửi thông điệp “Cái gì rồi cũng qua đi, chỉ có chữ tình là còn mãi”.
Nhận định về cuốn sách, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, bằng giọng kể chân thực, chính xác, sinh động... nhà văn đã dựng lên nhiều chân dung thú vị và tôn vinh các văn nghệ sĩ. Đọc cuốn sách, có thể thấy người viết đã lĩnh hội, chia sẻ, khám phá nhân vật bằng năng lượng và tinh thần thấu cảm sâu sắc. Nhờ đó, ông đã lưu giữ được những hình ảnh, phần đời sống động và trở thành một tấm gương cho các nhà văn.
Thấm đẫm trong mỗi trang văn là nhân tính đẹp đẽ và kiêu hãnh của con người, góp phần tạo nên những “hồ sơ mới” về những văn nghệ sĩ được tôn vinh, kính trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.