Cuốn sách nhìn lại chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội từ năm 1954 đến nay và mong muốn xây dựng, phát triển Thủ đô trong tương lai.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), ngày 7-10, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)”. Tiến sĩ, kiến trúc sư Dương Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội dự.
Cuốn sách được UBND thành phố Hà Nội cho chủ trương để Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) chủ trì, triển khai tập hợp các chuyên gia, các nhà quản lý biên soạn.
Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn bày tỏ, mặc dù đã có nhiều tác giả, nhóm tác giả với nhiều ấn phẩm nghiên cứu về Hà Nội ở các góc cạnh khác nhau, nhưng có lẽ điều đó vẫn chưa đủ để có thể hiểu biết hết về Hà Nội, một thành phố phát triển và sở hữu nhiều di sản, đặc biệt trong những giai đoạn phát triển quan trọng.
"Đó cũng là một trong những lý do mà thành phố Hà Nội luôn khuyến khích công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn nhằm bổ sung, bồi đắp thêm những kiến thức, giá trị nghiên cứu khoa học dành cho Hà Nội nói chung cũng như lĩnh vực kiến trúc, đô thị Hà Nội nói riêng", đồng chí Dương Đức Tuấn nói.
“Cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)” ra đời là sự nhìn nhận lại chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội từ năm 1954 đến nay và những mong muốn phát triển cho một Hà Nội trong tương lai”, đồng chí Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.
“Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)” dày 440 trang, do Nhà Xuất bản Xây dựng ấn hành. Sách gồm 5 phần: “Kiến trúc Hà Nội - Chặng đường 70 năm phát triển”, “Định hướng quản lý và phát triển kiến trúc Hà Nội”, “Kiến trúc đô thị, cảnh quan đô thị Hà Nội, nhận diện bản sắc, kế thừa và phát huy giá trị”, “Kiến trúc Hà Nội - Những góc nhìn cho tương lai”, “Thông tin các văn bản quy phạm pháp lý liên quan đến quy hoạch, kiến trúc Hà Nội”. Mặc dù với mốc thời gian được tính từ năm 1954 đến nay song cuốn sách vẫn có một chương trong phần 1 khái quát về lịch sử cũng như sự hình thành, phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội từ năm 1954 trở về trước.
Theo Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam Phạm Thanh Huyền, cuốn sách là tập hợp trí tuệ của gần 30 tác giả đều là những kiến trúc sư đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý và nghiên cứu. Cuốn sách đánh giá tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội, đặc biệt có những góc nhìn, phân tích và nhận diện sắc nét về bản sắc dân tộc trong kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Cuốn sách có sự tham gia của Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính; Giáo sư, kiến trúc sư Doãn Minh Khôi; PGS.TS, kiến trúc sư Trần Minh Tùng; các Tiến sĩ, kiến trúc sư: Nguyễn Tất Thắng, Trần Thanh Bình, Trương Ngọc Lân, Tạ Quốc Thắng, Nguyễn Minh Đức, Ngô Doãn Đức, Trương Văn Quảng; các kiến trúc sư: Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Nguyễn Luận, Phạm Thanh Tùng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.