(HNM) - Thời điểm này, nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm học 2020-2021. Câu chuyện về các khoản thu bắt đầu “nóng” ở một vài địa phương và là nỗi trăn trở của nhiều phụ huynh học sinh. Tại Hà Nội, dù chưa ghi nhận trường học nào có sai phạm về thu, chi, song việc kiểm tra, giám sát không vì thế mà bị lơ là. Chặt chẽ quy trình, tăng trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm sai phạm để quyết tâm chặn lạm thu là mục tiêu của ngành Giáo dục Thủ đô trong năm học 2020-2021.
Vẫn còn thu sai
Như thường lệ, vào mỗi dịp đầu năm học mới, ngành Giáo dục và các địa phương đều có văn bản hướng dẫn, yêu cầu tăng cường công tác quản lý thu, chi tại các trường học. Ngày 27-8-2020, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường quản lý, chấn chỉnh những tồn tại liên quan đến công tác thu, chi đầu năm học và xử lý nghiêm các sai phạm.
Thế nhưng, ở một số địa phương vẫn để xảy ra sai phạm liên quan đến công tác thu, chi khiến phụ huynh học sinh bức xúc. Cụ thể, tháng 8-2020, một trường trung học cơ sở ở tỉnh Bình Dương đã bị buộc thu hồi 158 triệu đồng để trả cho học sinh và nộp ngân sách do thu, chi sai quy định. Tháng 9-2020, một trường trung học phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh phải dừng việc vận động thu 600 triệu đồng từ các học sinh để cải tạo cơ sở vật chất… do chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, so với cùng thời điểm năm học 2019-2020, những băn khoăn về các khoản thu trong nhà trường giảm hẳn. Theo đại diện phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã, việc kiểm tra, giám sát các nhà trường triển khai công tác thu, chi đang được tiến hành, trong đó việc xác định nguyên nhân “gây bệnh” lạm thu được quan tâm để tìm cách ngăn ngừa.
Bà Trần Thu Nga, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến lạm thu chưa được giải quyết dứt điểm là do thiếu sự công khai, minh bạch; nhà trường cần tổ chức bàn bạc kỹ với phụ huynh, thống nhất mức thu phù hợp thì sẽ được ủng hộ.
Rõ quy trình, tăng trách nhiệm
Để chấn chỉnh, ngăn chặn triệt để hiện tượng lạm thu, năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã, nhà trường tăng cường công tác quản lý thu, chi, yêu cầu các đơn vị phải rành mạch các khoản thu; không để phụ huynh bức xúc, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Giáo dục.
Cùng với nhiều trường học khác, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) đã tổ chức cho giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về thu, chi. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam Nguyễn Lệ Hằng cho biết, nhà trường nhấn mạnh trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp trong phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, công khai các khoản học sinh và gia đình không phải đóng góp.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, năm học 2020-2021, phòng tập trung giám sát các nhà trường triển khai các khoản thu thỏa thuận với yêu cầu không được làm tắt quy trình để đạt được sự đồng thuận. Các nhà trường chỉ được tổ chức thu sau khi đã được UBND quận phê duyệt; tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng phụ huynh học sinh tổ chức đóng góp kinh phí mà giáo viên, hiệu trưởng không nắm được.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Xuyên Lưu Luyến, do mức sống của nhiều gia đình học sinh trên địa bàn còn khó khăn, nên phòng lưu ý các nhà trường xây dựng dự toán mức thu thấp hơn mức trần quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22-11-2013 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định về việc thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao). Đơn cử, mức thu tiền nước uống theo quy định là không quá 12 nghìn đồng/học sinh/tháng, thì các nhà trường dự kiến thu 11 nghìn đồng/học sinh/tháng...
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, đến thời điểm này, công tác thu, chi của năm học 2020-2021 khá nền nếp, song không vì thế mà lơi lỏng. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh tiêu cực về công tác thu, chi và thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm, nếu phát hiện sai phạm. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra các nhà trường, xử lý nghiêm các cá nhân có liên đới, quyết tâm không để xảy ra lạm thu. Nếu có bất cứ thông tin vi phạm về thu, chi, phụ huynh học sinh có thể liên lạc tới số máy điện thoại đường dây nóng của Sở: 0888.996.970.
Theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu 7 khoản sau đây: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.