Giáo dục

Tăng minh bạch, giảm lạm thu

Thống Nhất 14/09/2023 - 06:22

Bước sang tuần học thứ hai của năm học 2023-2024, câu chuyện về các khoản thu ngoài học phí, nhất là những khoản thu do ban đại diện cha mẹ học sinh chủ trì vẫn là đề tài nóng ở nhiều diễn đàn.

Năm nay, ngành Giáo dục Hà Nội quyết tâm ngăn chặn hiện tượng lạm thu, không để phụ huynh học sinh bức xúc về vấn đề tài chính. Tăng tính minh bạch, tăng cường giám sát việc tổ chức các khoản thu trong nhà trường là giải pháp đang được tích cực triển khai.

lop-hoc.jpg
Một tiết học của học sinh Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ). Ảnh: Nguyễn Quang

Giải tỏa mối lo trước thềm năm học mới

Mối lo về việc tăng học phí của nhiều phụ huynh học sinh có con theo học các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được giải tỏa trước thềm năm học mới 2023-2024 khi HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND, trong đó giữ nguyên mức học phí như năm học trước. Mức học phí của học sinh thành phố chia theo 3 vùng, gồm thành thị, nông thôn, dân tộc thiểu số và miền núi. Mức học phí cao nhất là 300.000 đồng/học sinh/tháng, thấp nhất là 50.000 đồng/học sinh/tháng.

Có hai con đang theo học tại Trường Trung học cơ sở Thanh Trì (huyện Thanh Trì), bà Trần Minh Hương cho biết, cuộc họp phụ huynh đầu năm học mà bà tham dự diễn ra trong không khí vui vẻ, đầm ấm bởi phần lớn thời gian họp, cô giáo và phụ huynh trao đổi các biện pháp hỗ trợ, quản lý học sinh học tập. Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ), nhà trường chưa có thông báo họp phụ huynh đầu năm học, cũng chưa triển khai thu bất cứ khoản nào, dù học sinh đã ăn bán trú từ sau lễ khai giảng.

“Tôi nghe một số người nói rằng năm nay mức học phí của học sinh tăng gấp đôi và có đi tìm hiểu thì được biết, năm học này, mức học phí của học sinh các cấp học ở Hà Nội vẫn giữ nguyên như năm học trước. Điểm khác là ngân sách thành phố không còn hỗ trợ 50% mức học phí cho từng học sinh nữa, phụ huynh phải đóng toàn bộ số tiền theo quy định. Theo tôi, thông tin này cần được công bố rõ ràng để phụ huynh hiểu chính xác”, bà Nguyễn Thị Thu Hoài đề xuất.

Trước ngày khai giảng năm học mới 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các trường trực thuộc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi, trong đó nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch các khoản thu, nhất là những khoản thu khác ngoài học phí.

Thực tế tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, nguyên nhân cơ bản khiến phụ huynh học sinh bức xúc không hẳn vì thu nhiều, mà là sự thiếu minh bạch trong việc tổ chức các khoản thu và chi; có nơi làm tắt quy trình để đạt được sự tự nguyện hoặc có khoản thu núp dưới danh nghĩa “tự nguyện”...

Tăng cường công tác giám sát

Năm nay, bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn các nhà trường thực hiện đúng quy định, các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã đều tăng cường công tác giám sát nhằm ngăn chặn hiện tượng lạm thu. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã có kế hoạch kiểm tra các trường trực thuộc về công tác thu, chi. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào những khoản thu khác ngoài học phí, bởi đây là khoản thu thường khiến phụ huynh học sinh bức xúc.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng thông tin, tuần vừa qua, phòng đã họp với hiệu trưởng của tất cả các trường học, quán triệt yêu cầu đặc biệt quan tâm đến hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tuyệt đối không để xảy ra việc ban đại diện thu khoản gì mà giáo viên, hiệu trưởng không nắm được. Kế hoạch thu, chi của ban đại diện phải được thống nhất với ban giám hiệu, sau đó mới triển khai ở các lớp trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng.

“Khi ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai hoạt động của ban cũng như các khoản thu, chi, giáo viên chủ nhiệm lớp phải ngồi cùng nghe, tránh việc không nắm được nội dung mà ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai ở lớp mình”, bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết.

Là huyện có quy mô giáo dục lớn, nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số, đời sống của nhiều gia đình còn khó khăn, huyện Ba Vì luôn ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ việc học tập, sinh hoạt và coi ngăn chặn lạm thu là nhiệm vụ quan trọng để phụ huynh yên tâm, từ đó hạn chế tối đa việc học sinh bỏ học.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, thời điểm này, hầu hết các trường đã hoàn thành việc tổ chức họp phụ huynh học sinh đầu năm học. Toàn bộ kế hoạch thu, chi của từng lớp, từng trường, ở tất cả các cấp học đều phải gửi về UBND huyện trước ngày 15-9 để được phê duyệt trước khi triển khai với yêu cầu tất cả các trường tuyệt đối không được tự ý tổ chức thu những khoản ngoài quy định, chưa được phê duyệt.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, một số khoản thu tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội quy định thu, sử dụng khoản thu khác trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội đã quá lạc hậu khiến các trường khó đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Ví dụ như tiền chăm sóc bán trú (ở mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng; tiền trang thiết bị phục vụ bán trú với trẻ mầm non không quá 150.000 đồng/trẻ/năm học; với học sinh tiểu học, trung học cơ sở là không quá 100.000 đồng/học sinh/năm học...

Về nội dung này, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở đang lấy ý kiến góp ý của các nhà trường để đề xuất UBND thành phố điều chỉnh mức thu cho phù hợp. Hiện nay, khi chưa có văn bản mới, tất cả các trường vẫn tổ chức thu những khoản thu khác ngoài học phí theo quyết định này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng minh bạch, giảm lạm thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.