Góc nhìn

Chấn chỉnh lạm thu đầu năm học

Quỳnh Anh 07/10/2023 - 06:19

Gần đây, tình trạng lạm thu đầu năm học xuất hiện tại nhiều trường học trên cả nước, gây bức xúc dư luận. Tại Hà Nội, Trường Trung học cơ sở Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) đưa ra hàng chục khoản thu “khác lạ”.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh, huyện Thanh Trì đã thành lập Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra, xác minh vụ việc. Kết quả là Trường Trung học cơ sở Tứ Hiệp phải trả lại cho phụ huynh hơn 160 triệu đồng quỹ cha mẹ học sinh vì “chưa phù hợp”.

Trước đó, Ban Giám hiệu Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp, Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp 12 văn trả lại toàn bộ khoản thu sai quy định cho từng phụ huynh…

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, bảng dự toán thu chi quỹ phụ huynh lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) khiến nhiều người “sốc” khi chia trung bình mỗi phụ huynh đóng tới 10 triệu đồng. Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh sự việc và yêu cầu Ban Đại diện lớp 1/2, Trường Tiểu học Hồng Hà phải hoàn trả cho phụ huynh gần 250 triệu đồng do lạm thu.

Ở Hải Dương, sau khi nhận được phản ánh Trường Trung học phổ thông Thanh Miện III (huyện Thanh Miện) lạm thu tiền đầu năm của học sinh, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định có nhiều khoản thu không đúng, vượt mức quy định.

Từ những vụ việc trên có thể thấy, lạm thu đầu năm học vẫn là vấn đề nhức nhối trong ngành Giáo dục, gây bức xúc trong xã hội.

Vào đầu năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo thường có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục không để xảy ra tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, tại sao nhiều trường vẫn vượt rào, bất chấp để lạm thu? Phải chăng ở đây có sự buông lỏng kiểm tra và giám sát. Quá trình xử lý sai phạm không mạnh mẽ, chỉ nhắc nhở, khiến lãnh đạo các trường “nhờn luật”? Rõ ràng, thực tế đang là như thế. Chẳng thế, có đại biểu Quốc hội khóa XV đã từng đặt câu hỏi: “Lạm thu riết mà tôi chưa thấy hiệu trưởng nào bị cách chức. Liệu rằng các cấp quản lý có đang làm ngơ về vấn đề này?”.

Lạm thu là hành vi trực tiếp làm xấu đi hình ảnh nhà trường và nền giáo dục. Nhìn rộng ra, việc thu những khoản tiền không chính thức trong trường học cũng là một hình thức tham nhũng. Tham nhũng trong giáo dục chính là hành vi “đánh cắp tương lai” của chính đối tượng thụ hưởng là học sinh, sinh viên.

Để xảy ra tình trạng lạm thu, nguyên nhân chủ yếu là một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện sai quy định của Nhà nước, biến tướng nhiều hoạt động để thu tiền. Trong khi các bậc phụ huynh dù biết nhưng lại không dám lên tiếng vì sợ con bị “đì”. Sự im lặng, sự đồng ý miễn cưỡng, sự tự nguyện trên tinh thần bắt buộc của nhiều phụ huynh đã góp phần để nhiều trường học thoải mái đưa ra các khoản thu để lạm thu...

Lạm thu, tham nhũng trong giáo dục làm xói mòn chuẩn mực đạo đức. Để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này, cần những biện pháp mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn là cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe và xử lý thật nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng lạm thu tại đơn vị mình quản lý. Thực tế, để xảy ra tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục là trách nhiệm của nhiều bên liên quan, song hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Chống lạm thu trong trường học cần quyết liệt và bắt đầu từ lãnh đạo mỗi nhà trường.

Nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn, kiên quyết xử lý nghiêm khắc nếu có sai phạm lạm thu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các khoản được thu, không được thu với từng cấp học để phụ huynh nắm rõ… Về phần mình, các bậc phụ huynh cần thực hiện tốt vai trò phản biện và giám sát, đồng lòng phản ánh sai phạm lạm thu. Có như vậy, mới “diệt tận gốc” được vấn đề lạm thu đầu năm học mới.

Liên tiếp các vụ lạm thu tại trường học bị “phanh phui” vừa qua không chỉ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngành Giáo dục, mà còn gây ra tâm lý nặng nề, thậm chí bức xúc cho nhiều phụ huynh học sinh và cả xã hội.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở giáo dục về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2023-2024. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu trong trường học, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu.

Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Giáo dục và cơ quan chức năng, lạm thu sẽ không còn là vấn đề “nóng” trong các nhà trường dịp đầu năm học mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh lạm thu đầu năm học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.