(HNMO) - Lớp màu xám trắng trên tường bao quanh các hồ và một số hạng mục nhỏ trong khu di tích thực chất là vôi ta pha với than bùn, không phải là sơn, không có chất hóa học.
Chất liệu tự nhiên này vừa có tác dụng làm sạch, vừa góp phần ngăn ngừa nấm, mốc xâm nhập gây ảnh hưởng tới các hạng mục, cấu kiện của di tích. Việc quét vôi di tích mang tính định kỳ, cách một vài năm Trung tâm lại thực hiện đối với một số hạng mục.
Trước khi tiến hành vệ sinh, một số cấu kiện, công trình, hạng mục của di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám bị nấm mốc, bụi phủi, nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng tới thẩm mỹ, cảnh quan và có thể gây tổn hại đến di tích. Vì thế, tháng 5 năm 2016, Sở VH-TT Hà Nội có văn bản gửi UBND TP Hà Nội xin chủ trương cho phép Trung tâm sử dụng một phần kinh phí từ việc thu phí để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ năm 2016, trong đó có việc vệ sinh các cấu kiện gỗ sơn son thếp bạc phủ hoàn kim tại Bái đường, hậu cung khu Văn Miếu; quét vôi, trám vá bề mặt các họa tiết trên cổng, trụ biểu, tường ngăn khu di tích. Chủ trương này được UBND thành phố Hà Nội đồng ý tại văn bản 4516/VP-KT ngày 3-6-2016.
Trên tinh thần đó, từ tháng 11 năm 2016 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật công nghệ Bảo tồn di tích thuộc Viện Bảo tồn Di tích tiến hành vệ sinh một số cấu kiện, quét vôi tường bao quanh các hồ và một số trụ biểu, bờ bao tường ngăn trong khu di tích. Những phần việc này được tiến hành trên sơ sở khảo sát, đánh giá hiện trạng kỹ lưỡng và triển khai một cách bài bản, khoa học. Các hạng mục chính của di tích như cổng chính, tứ trụ, Khuê Văn Các, nhà Bái đường, nhà Thái học… vẫn giữ nguyên.
Khi việc quét vôi cơ bản hoàn thành, dư luận có nhiều luồng quan điểm, người ủng hộ, người cho là “làm mới” di tích. Về vấn đề này, ông Lê Xuân Kiêu cho biết, mọi ý kiến, góp ý của người dân và khách tham quan đối với di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm đều lắng nghe, tiếp thu với tinh thần cầu thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.