(HNM) - Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhằm phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong đời sống. Tuy nhiên, trước yêu cầu của Đảng, Nhà nước và thực tiễn sáng tạo trong giai đoạn mới, công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật cần có giải pháp hiệu quả, phù hợp, mở “đại lộ” phát triển, sáng tạo cho văn nghệ sĩ.
Chưa đáp ứng yêu cầu
Theo báo cáo của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn học, nghệ thuật phát triển. Cụ thể là việc xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án về chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, văn nghệ sĩ; đặt hàng, hỗ trợ, khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm có giá trị…
Về thực trạng văn học, nghệ thuật, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, hiện có hơn 40.000 văn nghệ sĩ đang hoạt động trong 10 hội chuyên ngành và các địa phương, liên tục sản sinh ra hàng nghìn tác phẩm văn học, nghệ thuật cho đời sống. Song, chất lượng tác phẩm vẫn là việc đáng bàn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có các chương trình phối hợp về đặt hàng, đầu tư sáng tác, nhưng chưa có chiến lược phát triển xứng tầm. “Tôi rất đau lòng và xấu hổ khi tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu thực tế, gần đây chúng ta chưa có được những bài hát hay”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.
Nhận định công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật đã tập trung vào việc đầu tư, hỗ trợ sáng tác thông qua việc tổ chức trại sáng tác, song nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Bảo tàng Văn học cho rằng, thời gian tổ chức mỗi trại sáng tác chỉ từ 7 đến 15 ngày là chưa hợp lý. Văn nghệ sĩ chỉ kịp đến để giao lưu và cho ra đời những tác phẩm chất lượng vừa vừa, khó có những tác phẩm lớn.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hướng Dương chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật, như nội dung quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật vẫn chưa cụ thể; đội ngũ sáng tác còn chưa đồng đều, phần lớn là nghiệp dư... Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thiếu, yếu, chưa có những tác phẩm thiết thực để dẫn dắt, định hướng người sáng tác và công chúng…
Tạo cú hích cho văn học, nghệ thuật
Văn học, nghệ thuật là một bộ phận tinh túy của văn hóa. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc". Ngoài ra, thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra yêu cầu mới trong quản lý, phát triển văn học, nghệ thuật.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Bộ phối hợp với các hội, cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển văn học, nghệ thuật giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trình Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Với những cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư, giải pháp quản lý văn học, nghệ thuật hiệu quả, đề án sẽ tạo cú hích cho sự phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà.
Đồng tình với việc xây dựng đề án phát triển văn học, nghệ thuật, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương góp ý, đề án phải được xây dựng logic, chặt chẽ, có căn cứ lý luận và thực tiễn, có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học, nghệ thuật về quản lý, sáng tác và lý luận, phê bình. Đặc biệt, đề án phải xác định mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể từng năm, từng nhiệm vụ và đề ra nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nguồn nhân lực; đầu tư sáng tác, công bố tác phẩm; đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ; đầu tư công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thiết thực, hiệu quả.
Qua thực tiễn quản lý hoạt động văn học, nghệ thuật khi còn giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghệ sĩ nhân dân Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, đề án phát triển văn học, nghệ thuật cần có cơ chế, chính sách phát triển tài năng; củng cố chất lượng sáng tác, trong đó lựa chọn những tác giả uy tín để đặt hàng sáng tác.
Khẳng định việc xây dựng đề án phát triển văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới là việc làm thiết thực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kỳ vọng từ đây, công tác quản lý sẽ thật sự là “đại lộ” đúng hướng, thông thoáng cho văn nghệ sĩ thẳng tiến sáng tác, đóng góp xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam chất lượng, dân tộc, hiện đại, nhân văn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.