(HNM) - Mối quan hệ vốn không êm ả giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục gặp sóng gió sau hàng loạt tuyên bố bày tỏ lập trường cứng rắn từ cả hai phía trong những ngày gần đây. Có thể thấy, nếu không có những động thái mạnh mẽ hơn nữa của cả Washington và Bình Nhưỡng để tạo bước đột phá trong đàm phán, mọi nỗ lực hòa bình tại khu vực Đông Bắc Á khó có thể trở thành hiện thực.
Ngày 2-5, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong-gun nhận định, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phạm phải “sai lầm lớn”, đồng thời cảnh báo Washington sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn ngoài tầm kiểm soát. Nhận xét này được đưa ra sau khi ông chủ Nhà Trắng cam kết giải quyết “các mối đe dọa nghiêm trọng” từ Triều Tiên và Iran thông qua ngoại giao và sự răn đe nghiêm khắc, trong bối cảnh nhà lãnh đạo 78 tuổi này từng cho rằng hồ sơ Triều Tiên dường như là một trong những thách thức về đối ngoại lớn nhất đối với xứ Cờ hoa và các đồng minh.
Theo chính sách mới được Nhà Trắng tiết lộ hôm 30-4, Tổng thống J.Biden có kế hoạch thay đổi cách tiếp cận so với 2 người tiền nhiệm và vạch ra lộ trình mới trong nỗ lực chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Dù không nêu chi tiết, nhưng Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết đây sẽ là sự kết hợp cân bằng giữa công thức “kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Barack Obama và chính sách thông qua các cuộc thương lượng ngoại giao giữa lãnh đạo hai bên như thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Dù cách tiếp cận là gì, mục tiêu hiện tại của xứ Cờ hoa vẫn là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tiến trình này đã lâm vào thế bế tắc trong suốt 2 năm qua khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra cuối tháng 2-2019 kết thúc mà chưa thể đạt được thỏa thuận đột phá. Từ đó đến nay, hai bên cũng gặp khó khăn do những quan điểm khác biệt liên quan tới việc dỡ bỏ trừng phạt để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Tháng 3 vừa qua, Triều Tiên được cho là đã có tín hiệu thể hiện sức ép đối với chính quyền mới của Mỹ thông qua vụ phóng thử hai tên lửa dẫn đường chiến thuật mới, được tiến hành sau khi Mỹ và Hàn Quốc kết thúc cuộc tập trận chung thường niên mùa xuân kéo dài 9 ngày. Tổng thống Mỹ J.Biden cảnh báo, Washington sẽ đưa ra hành động trả đũa tương xứng nếu Triều Tiên leo thang việc thử nghiệm tên lửa. Tuần trước, Triều Tiên cũng đã không tổ chức lễ kỷ niệm nhân dịp 3 năm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27-4-2018, vốn là bàn đạp cho các cuộc đàm phán hòa bình không chỉ giữa hai miền Triều Tiên mà còn giữa Triều Tiên và Mỹ. Điều này trái ngược với lần kỷ niệm đầu tiên hồi năm 2019, khi các phương tiện truyền thông của nước này liên tục đăng tải bài viết về Tuyên bố Bàn Môn Điếm và kêu gọi việc thực hiện bằng những hành động đáng tin cậy.
Mong muốn giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình vẫn là giải pháp được Mỹ và Triều Tiên nỗ lực theo đuổi, tuy nhiên không bên nào chấp nhận đưa ra sự nhượng bộ trước. Tổng thống J.Biden khẳng định xứ Cờ hoa sẵn sàng cho một số hình thức ngoại giao với Triều Tiên nhưng chính sách này phụ thuộc vào kết quả cuối cùng của quá trình phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui hồi giữa tháng 3 xác nhận Washington đã tìm cách liên hệ với Bình Nhưỡng, song cho biết Triều Tiên đã nêu rõ quan điểm của mình rằng, sẽ không có cuộc tiếp xúc hoặc đàm phán với Mỹ trừ khi Mỹ rút lại các chính sách thù địch.
Xây dựng lòng tin hiện là điều cốt lõi để thế giới có thể chứng kiến những thay đổi lớn lao. Mỹ và Triều Tiên cần có những động thái mạnh mẽ hơn nữa để tạo “cú hích”, sớm hàn gắn quan hệ hai bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.