(HNM) - Ngày 12-12, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết công nhận vụ thảm sát dưới thời đế chế Ottoman (thực thể tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) đối với người Armenia là tội diệt chủng.
Động thái này được coi là một "nốt trầm" có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ - nước vốn phản đối quan điểm này trong nhiều thập kỷ qua. Thực tế ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng bằng việc ra tuyên bố, khẳng định "hành động như vậy không có tác dụng nào khác ngoài việc gây phương hại đến quan hệ giữa Washington và Ankara”.
Lâu nay, cách nhìn nhận vụ việc trên vẫn gây ra nhiều tranh cãi và thường phủ bóng u ám lên mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Armenia, cũng như với nhiều quốc gia khác. Bản thân Washington từng chần chừ nhiều thập kỷ, trước khi đi đến quyết định cuối cùng thông qua nghị quyết.
Mặt khác, do Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là đồng minh, lại cùng là thành viên NATO, nên nhiều quốc gia phương Tây thường né tránh khi nói về vấn đề này. Tuy nhiên, trong những năm qua, Pháp, Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan, Nga… và nhiều nước khác đã lần lượt công nhận việc thảm sát người Armenia là tội ác diệt chủng.
Thực tế, nhiều luồng ý kiến thừa nhận, “cuộc thảm sát nói trên là một trong những vụ diệt chủng có hệ thống và hiện đại đầu tiên”. Nhiều nguồn tin phương Tây còn chỉ rõ, quy mô số lượng người chết là bằng chứng cho thấy một kế hoạch có tổ chức và có hệ thống để hủy diệt người Armenia.
Tuy nhiên, Ankara vẫn luôn bác bỏ cáo buộc này, thay vào đó theo đuổi quan điểm rằng cả người Armenia và người Thổ Nhĩ Kỳ đều là nạn nhân của giao tranh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Thậm chí, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu từng gọi quyết định công nhận tội ác diệt chủng của Mỹ là một “trò đùa chính trị” và không có giá trị pháp lý.
Mỹ có lý do để nhấn mạnh tới vụ thảm sát vào thời điểm hiện tại. Quốc hội nước này từng cố gắng trì hoãn việc công nhận, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đàm phán giữa Washington và Ankara về các chủ đề nhạy cảm. Tuy nhiên, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này không có ý định từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, mọi hy vọng thương thảo đã bị dập tắt.
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ hiện cũng có sự đồng thuận cao đối với việc áp dụng các biện pháp gây sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả những trừng phạt liên quan tới hành vi đưa quân vào lãnh thổ Syria hồi đầu tháng 10 vừa qua của Ankara.
Tuy nhiên, trong con mắt của giới quan sát, động thái của Mỹ lần này còn có mục đích lớn khác, đó là việc lấy thiện cảm của người dân tại vùng Nam Caucasus, khu vực vốn được coi là “sân sau” của Nga. Bản thân Amernia lâu nay vẫn là nơi tranh giành ảnh hưởng của hai cường quốc suốt gần 3 thập kỷ.
Trong bối cảnh đó, việc công nhận tội diệt chủng của đế quốc Ottoman sẽ tạo hiệu ứng thân Mỹ trong đời sống chính trị - xã hội của Amernia; đồng thời tạo ảnh hưởng với khoảng 1,5 triệu người gốc Armenia tại Mỹ. Sự kết hợp hai yếu tố này sẽ củng cố vị thế của Mỹ trong dư luận Amernia tốt hơn bất kỳ giải pháp kinh tế, chính trị nào.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan mới đây đã hoan nghênh bước đi mới của Washington và đánh giá đó là hành động thể hiện “sự tôn trọng đối với 1,5 triệu nạn nhân tội ác diệt chủng đầu tiên của thế kỷ XX”.
Cho dù thế nào, việc công nhận vụ thảm sát người Armenia là tội ác diệt chủng chắc chắn sẽ tiếp tục làm xấu đi mối quan hệ vốn đã nhiều rạn nứt giữa Washington và Ankara. Theo các nhà phân tích, những người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại các quốc gia trên toàn cầu (riêng tại Đức là khoảng 4 triệu người, Mỹ là khoảng hơn 500.000 người) mới là “nạn nhân” trực tiếp và phải chịu những tác động nhất định, đặc biệt là khi góc nhìn xã hội bị thay đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.