(HNM) - Quan hệ Belarus với Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục tiến sâu vào
“Bom” gấu Teddy do Công ty Studio Total của Thụy Điển thả xuống khu vực gần thủ đô Belarus hồi đầu tháng 7. |
Nguyên nhân làm bùng nổ "cuộc chiến" ngoại giao lần này bắt nguồn từ việc xảy ra cách đây hơn một tháng khi chiếc máy bay của công ty quan hệ công chúng Thụy Điển thả khoảng 800 chú gấu bông Teddy xuống khu vực gần thị trấn Ivenets và thủ đô Minsk để cổ vũ cho phong trào dân chủ. Mỗi chú gấu đều mang theo một thông điệp kêu gọi Belarus tôn trọng nhân quyền. Động thái này khiến Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vô cùng giận dữ và ra lệnh sa thải Chủ tịch Ủy ban Biên giới quốc gia Igor Rachkovsky và Tư lệnh Phòng không Không quân Dmitry Pahmellkin; đồng thời, khiển trách một số quan chức an ninh cấp cao vì không kịp thời phát hiện và ngăn chặn được vụ việc mà ông cho là hành động khiêu khích từ nước ngoài. Ngoài ra, Minsk cũng cáo buộc Đại sứ Thụy Điển tại Belarus Stefan Eriksson tặng nhiều sách về nhân quyền cho một thư viện ở thủ đô của Belarus với mục đích thiếu thiện chí. Chuỗi căng thẳng giữa hai nước kết thúc bằng việc Minsk rút toàn bộ nhân viên ngoại giao tại Thụy Điển về nước và đề nghị phía Stockholm có hành động tương tự.
Trên thực tế, trước khi tranh cãi ngoại giao với Thụy Điển bùng nổ, quan hệ giữa Belarus và EU đã chẳng mấy tốt đẹp. Coi Tổng thống A.Lukashenko như " kẻ độc tài" duy nhất còn lại ở Châu Âu, nhiều năm qua EU đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt quốc gia láng giềng thân thiết nhất của nước Nga. Trong đó, đáng chú ý là bản "danh sách đen" gồm hơn 230 quan chức cấp cao của Belarus, đứng đầu là Tổng thống Alexander Lukashenko bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ EU và tài sản của họ tại các ngân hàng EU cũng đã bị đóng băng. 29 công ty có quan hệ mật thiết với Tổng thống A.Lukashenko cũng bị liệt vào diện bị EU trừng phạt...
Nhiều ý kiến cho rằng, quan điểm về "dân chủ, nhân quyền" chỉ là cái vỏ, thực chất của vấn đề nằm ở chỗ Belarus là một "chướng ngại" khó lay động nhất trong công cuộc Đông tiến của phương Tây. Kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, Mỹ và EU liên tục đưa ra nhiều phương sách nhằm chiếm lĩnh không gian ảnh hưởng của Nga. Tuy nhiên, mọi chiến lược mà phương Tây vận dụng khá thành công tại nhiều nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đều bị chặn đứng tại Belarus. Kịch bản "cách mạng màu sắc" mà phương Tây dựng lên tại Ukraine, Georgia, Kyrgyzstan hầu như không mang lại tác dụng nào tại Belarus dù 4 lần bầu cử Tổng thống đã trôi qua và ông A.Lukashenko vẫn giữ vững chiếc ghế quyền lực cao nhất.
Trên thực tế, lựa chọn đối lập với phương Tây cũng khiến Minsk chịu nhiều sức ép, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, cần sự hợp sức của nhiều quốc gia. Song, công bằng mà nói, cũng nhờ sự cứng rắn này mà Belarus không phải trải qua những thăng trầm của bất ổn chính trị. Ổn định đất nước là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Belarus tăng trưởng nhiều năm liền với tốc độ cao, có lúc lên tới 10%. Thu nhập của người dân tăng gấp 4 lần.
Điều khiến dư luận lo ngại hiện nay là căng thẳng EU - Belarus sẽ kéo theo các bên liên quan vào cuộc, khiến tình hình ngày một nghiêm trọng. Hiện tại, Belarus đang là thành viên của Liên minh thuế quan cùng Nga, Kazakhstan. Tổ chức này là nòng cốt quan trọng trong chiến lược của Mátxcơva nhằm xây dựng cộng đồng kinh tế Á - Âu từ nay cho đến năm 2015. Trong khi đó, Mỹ chắc chắn sẽ không thờ ơ với đồng minh truyền thống ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Sự khác biệt trong thái độ của Washington và Mátxcơva về vấn đề Belarus sẽ cộng thêm một chướng ngại vào danh sách những bất đồng có nguy cơ hủy hoại quá trình lập lại mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.