(HNM) - Sau một thời kỳ tăng, giảm thất thường, những ngày qua dư luận lo ngại về một kịch bản điều chỉnh tỷ giá, cũng như tăng lãi suất huy động đối với USD từ phía cơ quan chức năng.
Việc quản lý chặt lãi suất huy động USD và tỷ giá là cần thiết để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Hải Anh |
Tăng lãi suất USD lên trên 0% sẽ hút thêm vốn
Giống như nhiều thời điểm trước, sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất vào giữa tháng 3 vừa qua đã khiến cả thế giới chao đảo, trong đó có thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, không chỉ riêng sự kiện liên quan đến FED tác động đến thị trường ngoại tệ trong nước, trên thực tế, “làn sóng” điều chỉnh lãi suất VND vừa qua của một số ngân hàng thương mại cũng tạo ảnh hưởng đến đồng USD. Việc một số ngân hàng không ngần ngại áp dụng lãi suất huy động cao 9%/năm cho chứng chỉ tiền gửi, cùng với làn sóng chạy đua lãi suất huy động VND cho thấy các ngân hàng đang “khan” vốn. Dù các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND không phải do mất hay thiếu thanh khoản, nhưng cũng phản ánh nhu cầu lớn về vốn của các ngân hàng hiện nay. Trong khi đó, một nguồn vốn không nhỏ USD đang ở trong dân, vì nhiều người không lựa chọn ngân hàng để gửi tiền USD khi lãi suất USD chỉ bằng 0%. Bởi vậy, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần điều chỉnh lãi suất USD để “hút” nguồn USD còn trong dân, cũng như “kéo” nguồn kiều hối từ nước ngoài chuyển về.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, nâng trần lãi suất USD phù hợp với xu thế tăng lãi suất của FED giúp người gửi tiền không cảm thấy thiệt thòi khi gửi tiết kiệm USD. Hơn nữa, người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhu cầu vay ngoại tệ (tỷ lệ đô la hóa hiện nay 9 - 10%) nên vẫn cần duy trì tỷ lệ đô la hóa. Đó là chưa kể có tình trạng một số ngân hàng thương mại huy động USD không được phép trả lãi suất, nhưng vẫn có hình thức hoa hồng, vì thế nếu cho phép các ngân hàng huy động USD có lãi suất sẽ giúp minh bạch hóa hệ thống.
Có chung quan điểm đó, TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank đã không ngần ngại đề xuất với NHNN, trần lãi suất huy động USD có thể được điều chỉnh lên 0,25 - 0,5%/năm, vừa để "hút" nguồn tiền trong dân, vừa thu hút nguồn kiều hối.
Cần thiết phải điều chỉnh tỷ giá
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, nếu VND không tăng nhiều so với USD, hàng xuất khẩu sẽ mất sự cạnh tranh trên thị trường. Từ nay đến cuối năm, nếu điều chỉnh tỷ giá khoảng 3% sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới. Thực tế, lãi suất tiền gửi bằng USD tại nước ngoài tăng lên có thể khiến một lượng ngoại tệ trong nước chuyển dịch ra nước ngoài, do đó việc điều chỉnh tỷ giá là cần thiết trong năm nay.
Rõ ràng, tỷ giá đang phải chịu áp lực khá lớn từ yếu tố khách quan, cũng như nội tại nền kinh tế. Bởi, với việc FED tăng lãi suất USD sẽ ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, dự báo về lạm phát cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá vì muốn giữ lạm phát phải tăng lãi suất; thực tế là lạm phát và lãi suất chịu sự ảnh hưởng lẫn nhau, nên đường đi của lạm phát sẽ tác động không nhỏ tới lãi suất, cũng như tỷ giá. Nhiều chuyên gia cũng tính toán, nếu kiểm soát tốt, mức độ mất giá của VND vào khoảng 2 - 3%.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá cần phải tính toán tổng hòa lợi ích của toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra, mục tiêu ổn định tỷ giá năm 2017 sẽ khó khăn do các yếu tố như một số đồng tiền chủ chốt trong “giỏ” tiền tệ giảm mạnh so với USD, cán cân thanh toán quốc tế sẽ không thuận lợi như năm 2016... Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng đưa ra dự báo, nhiều khả năng NHNN sẽ có những thay đổi mạnh hơn đối với tỷ giá trung tâm trong năm 2017, hướng tới mục tiêu hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu mà không gây ảnh hưởng quá lớn đến lạm phát.
Trước những diễn biến của thực tiễn, lãnh đạo NHNN khẳng định, do nhu cầu về vốn của nền kinh tế tăng (khác với các năm trước, năm 2017 tín dụng có mức tăng trưởng ngay từ đầu năm) đã gây ra áp lực tăng lãi suất, trong đó có lãi suất USD. Vừa qua, một vài ngân hàng tăng lãi suất huy động VND, nhưng chủ yếu tăng lãi suất huy động với kỳ hạn dài và đó chỉ là hiện tượng cục bộ, trong khi đó một số ngân hàng giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn. Do vậy, nhìn chung lãi suất huy động không có biến động lớn. Thời gian tới, NHNN theo dõi chặt chẽ tình hình để tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh.
Về điều hành tỷ giá, thời gian qua, NHNN theo dõi rất sát tình hình thế giới và chủ động điều tiết thanh khoản của hệ thống ngân hàng để không gây áp lực tăng lãi suất và tăng tỷ giá. Việc điều hành chủ động, kịp thời của NHNN có tác dụng điều tiết, giảm thiểu mức độ tác động từ bên ngoài, hạn chế áp lực tăng tỷ giá trong nước, do đó tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay không có biến động lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.