Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quà Giáng sinh gây tranh cãi

Thùy Dương| 05/12/2017 06:14

(HNM) - Chính sách cải cách thuế được coi là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ do Tổng thống Donald Trump đề xuất đã “vượt ải” tại Thượng viện, đánh dấu chiến thắng ngoạn mục mang tính biểu tượng về mặt lập pháp của ông chủ Nhà Trắng trong năm đầu cầm quyền.


Với 51 phiếu thuận, 49 phiếu chống, cuối tuần qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật giảm thuế quy mô. Kế hoạch cải cách thuế lần này là kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa trợ lý của ông D.Trump và các thủ lĩnh Cộng hòa trong Quốc hội. Với dự luật này, linh hồn của cuộc "cách mạng giảm thuế" là giảm hẳn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 20%, tiến tới giảm và cho gộp các thuế suất thu nhập cá nhân, tùy theo dự luật thuế nào được chấp thuận.

Dự luật cắt giảm thuế của Tổng thống D.Trump được kỳ vọng sẽ kích thích kinh tế Mỹ tăng trưởng.


Theo chính sách giảm thuế của chính quyền Tổng thống D.Trump, kinh tế Mỹ có thể phát triển mạnh vì thuế suất giảm nhưng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao sẽ đẩy thu nhập kinh doanh và cá nhân tăng cao, cuối cùng sẽ cho tổng thu thuế nhiều hơn và không làm tăng thất thu ngân sách. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố gói đề xuất mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, mang lại sự thịnh vượng cho mọi tầng lớp trong xã hội khi thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng để bù đắp cho phần thuế bị cắt giảm.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, kế hoạch cải cách thuế của ông D.Trump chỉ có lợi cho người rất giàu ở Mỹ trong khi làm giảm thu nhập thuế của Chính phủ liên bang. Theo nghiên cứu vừa được công bố, 1% những người giàu có nhất nước Mỹ (tức có mức thu nhập tối thiểu 730.000 USD/năm) sẽ hưởng tới 50% tất cả các lợi ích từ kế hoạch cắt giảm thuế mới, với mức thu nhập sau khi nộp thuế của họ sẽ tăng trung bình 8,5%. Trong khi đó, phải đợi tới năm 2027, những người có mức thu nhập từ 150.000 đến 300.000 USD/năm mới được hưởng lợi khi thu nhập của họ bắt đầu tăng nhẹ.

Giới phân tích cảnh báo, việc cắt giảm thuế mạnh tay sẽ khiến thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ phình to nếu mức tăng trưởng kinh tế mà đảng Cộng hòa kỳ vọng đạt được để bù đắp không trở thành sự thật. Theo ước tính của Tax Foundation, kế hoạch giảm thuế trên nếu trở thành hiện thực sẽ khiến ngân sách Chính phủ Mỹ thất thu 2.100 tỷ USD trong 10 năm tới. Mức thất thu này sẽ được bù lại khi tính đến tăng trưởng kinh tế nhờ cắt giảm thuế. Nhưng, ngay cả trong trường hợp này thì thất thu thuế vẫn ở mức 1.000 tỷ USD trong 10 năm. Trong khi đó, nợ công của Mỹ hiện xấp xỉ 19.000 tỷ USD, tương đương 104% GDP. Theo ước tính của Văn phòng ngân sách quốc hội (CBO) và Trung tâm chính sách thuế (TPC), các chính sách cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng của ông D.Trump có thể làm nợ công của Mỹ tăng thêm 6.000-7.000 tỷ USD trong 10 năm tới. Những người ủng hộ đảng Dân chủ thì phản đối kế hoạch của ông D.Trump vì cho rằng điều này bất công đối với người nghèo và tầng lớp lao động.

Suốt ba thập kỷ qua, Luật Thuế của Mỹ chưa trải qua một cuộc cải cách toàn diện nào. Lần gần đây nhất, nước này thông qua một luật thuế mới vào năm 1986. Do đó, dự luật giảm thuế được Thượng viện thông qua là một thắng lợi lớn đối với Tổng thống D.Trump, nhưng dự luật này còn phải đưa trở lại Hạ viện để lưỡng viện đi đến một văn bản thống nhất.

Dù việc điều chỉnh thuế suất đang gây ra nhiều lo ngại về vấn đề thâm hụt ngân sách và phân bổ lợi ích thuế nhưng đảng Cộng hòa kỳ vọng mọi thủ tục sẽ được hoàn tất trước lễ Giáng sinh, để Tổng thống Mỹ D.Trump có thể sớm ban hành. Người đứng đầu Nhà Trắng hy vọng đây là "món quà Giáng sinh tuyệt vời cho người dân Mỹ".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quà Giáng sinh gây tranh cãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.