Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao những kẻ đánh bom lại nhắm vào Bỉ?

Quỳnh Dung| 10/03/2023 06:19

(HNMO) - Sau các vụ đánh bom đẫm máu ở Paris cuối năm ngoái, Bỉ đã tiến hành một chiến dịch truy quét khủng bố lớn chưa từng thấy và cũng đã ban hành nhiều cảnh báo về các vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra. Nhưng một loạt vụ đánh bom sáng nay (22/3) tại thủ đô Bỉ vẫn khiến chúng ta một lần nữa bàng hoàng.


Xét bề ngoài, Bỉ dường như là quốc gia khó có thể trở thành một trung tâm bạo lực cực đoan của châu Âu. Nhưng có nhiều lý do thuyết phục cho sự tập trung hoạt động cực đoan ở các bang nhỏ của nước này. Đáng chú ý, nhiều vấn đề làm nảy sinh mầm mống chiến đấu ở Bỉ lại khá phổ biến trên thế giới, ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Mặc dù chúng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng, nhưng đều có hậu quả tương tự.

Trong số các vấn đề mà Bỉ đang đối mặt, nổi lên là việc nước này có một cộng đồng Hồi giáo thiểu số nhưng quy mô không hề nhỏ và đa phần người dân có mức sống nghèo khó, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, trong khi tại nước này, vũ khí không khó kiếm, mạng lưới thông tin liên lạc và giao thông phát triển ở trình độ cao trên khắp cả nước, chính trị trong nước bất ổn...

Cũng như một số nước khác, Bỉ đã chứng kiến sự lây lan của hệ tư tưởng bạo lực thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và giữa các cá nhân với nhau. Sự lây lan này nếu không trực tiếp khuyến khích bạo lực thì cũng chắc chắn thúc đẩy một thế giới quan cố chấp, bảo thủ sâu sắc và đầy sự ganh ghét.

Theo thông tin trên tờ The Guardian, Bỉ đã từng hứng chịu làn sóng khủng bố trong những năm từ 1980 đến 1990, liên quan đến tình trạng bất ổn ở Trung Đông. Rik Coolsaet, một chuyên gia về khủng bố tại Đại học Ghent cho biết, Bỉ và Pháp đã có một lịch sử kết nối rất lâu dài trong lĩnh vực chống khủng bố.



Vào những năm 1990, các chiến binh ở miền bắc nước Pháp có liên hệ với cuộc nội chiến ở Algeria đã tràn sang Bỉ. Ít nhất một nhà truyền giáo bị trục xuất khỏi ​​Pháp đã đến Brussels. Khi người dân địa phương bày tỏ lo ngại về vấn đề này, các quan chức đã nói rằng, vị giáo sĩ này chỉ là một trường hợp "ngoài lề".

Trong nửa đầu thập niên qua, khi các cơ quan an ninh châu Âu phải vất vả để nhận biết mối đe dọa mới mà họ đang phải đối mặt và bom đã phát nổ ở Madrid, London, Bỉ vẫn cứ "thong dong", bất chấp những bằng chứng cho thấy, mạng lưới cực đoan đã hiện diện tại nước này.

Phải đến khi cuộc nội chiến Syria lan rộng và trở thành một vấn đề toàn cầu, những tồn tại thâm sâu trong lòng nước Bỉ mới càng thêm nhức nhối và những hồi chuông cảnh tỉnh về chủ nghĩa khủng bố mới mới được gióng lên mạnh mẽ. Xét về tỷ lệ bình quân tính trên đầu người, Bỉ hiện đang cung cấp nhiều tay súng chiến đấu cho Syria hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Một nhà nghiên cứu ước tính, 562 công dân Bỉ đã tới chiến đấu ở Syria. Hầu hết những người này tham gia vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), một số lựa chọn nhóm Jabhat al-Nusra, đồng minh của al-Qaeda. 

Ký ức về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong thập niên qua với Bỉ là vụ tấn công tháng 5/2014 vào Bảo tàng Do Thái ở Brussels, khiến 4 người chết. Nhưng đó là vụ tấn công mang động lực bài Do Thái hơn là chống người dân Bỉ. Nó được một kẻ Hồi giáo cực đoan sinh ra tại Pháp thực hiện.

Phải đến sau vụ khủng bố Paris tháng 11 năm ngoái, khi các nhà chức trách phát hiện ra rằng, các vụ tấn công này đã được lê kế hoạch thực hiện tại Bỉ và kẻ chủ mưu sinh sống tại nước này, chủ nghĩa khủng bố mới thực sự trở thành nỗi ám ảnh với người dân Bỉ. Cả thế giới khi đó cũng mới biết nhiều đến cái tên Molenbeek, một vùng ngoại ô thủ đô Bỉ với 90.000 dân, trong đó hơn 80% là người Hồi giáo, được coi như "cái nôi" của chủ nghĩa khủng bố của nước này.

Tuy nhiên, nỗi đau khủng bố chỉ thực sự đậm sâu và rõ ràng hơn bao giờ hết với từng người dân Bỉ sau các vụ tấn công hôm nay - những vụ tấn công đã được cảnh báo trước. Bởi nó nhằm vào chính người dân Bỉ, đồng thời cũng nhằm vào cả thế giới. Những kẻ đánh bom đã tấn công khu vực khởi hành dành cho người Mỹ tại sân bay Zaventem và một ga tàu điện ngầm cách trụ sở Ủy ban châu Âu chỉ 200m.

Bất chấp các vụ tấn công này có nhằm để "trả thù" cho việc Salah Abdeslam, kẻ chủ mưu vụ tấn công Paris vừa bị bắt giữ trong tuần trước hay không, thì những ngày sắp tới và có thể là nhiều năm tiếp nữa, các nhà chức trách Bỉ cũng như châu Âu sẽ vẫn phải đau đầu để tìm lời giải thích cho nguyên nhân họ thất bại trong việc ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố này, dù đã được chuẩn bị tinh thần từ nhiều tháng trước đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao những kẻ đánh bom lại nhắm vào Bỉ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.