(HNM) - Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã phối hợp và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện thay đổi hành vi trong sản xuất - kinh doanh theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó chung tay mang lại sự an tâm cho người dân.
Những mô hình thiết thực
Thấu hiểu nỗi lo về các loại rau, quả tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, hóa chất gây bệnh luôn ám ảnh chị em làm nội trợ và khó khăn trong tiêu thụ rau, quả an toàn, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau an toàn với 30 thành viên. Trong quá trình sản xuất, các thành viên tổ hợp tác đều tuân thủ theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật để bảo đảm “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách).
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Văn Đức Chu Thị Thiệp cho biết, việc thành lập tổ hợp tác giúp hoạt động sản xuất và tiêu thụ rau được thực hiện theo một quy trình khép kín, vừa bảo đảm sức khỏe người sản xuất, nâng cao thu nhập cho hội viên, vừa cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và góp phần phát triển thương hiệu rau an toàn của xã.
Trong khi đó, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông đã xây dựng Nhóm xung kích an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ Hà Đông và chợ Kiến Hưng từ năm 2016.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ chợ Hà Đông Nguyễn Thị Thùy cho biết: “Sau hơn 3 năm thành lập, đến nay, nhóm xung kích đã thực hiện tốt “3 công khai, 2 chuẩn mực” ("3 công khai" là công khai về giá cả, nguồn gốc và chất lượng; 2 chuẩn mực là chuẩn mực giao tiếp, chuẩn mực cân đong) và là nòng cốt vận động các chị em tiểu thương khác cùng thực hiện. Từ việc vận chuyển đến bảo quản thực phẩm đều được thực hiện đúng theo Luật An toàn thực phẩm. Chính vì thế, ngày càng có đông người tiêu dùng đến chợ Hà Đông mua sắm thực phẩm”.
Chị Phạm Thị Cúc, chủ cửa hàng rau an toàn ở chợ Hà Đông cho biết: "Qua những buổi tập huấn, tuyên truyền của Nhóm xung kích an toàn vệ sinh thực phẩm, tôi đã nhận thức rõ về những mối nguy hại lâu dài nếu bán những mặt hàng kém chất lượng. Vì vậy, tôi cũng như các chị em trong nhóm luôn thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng thực phẩm an toàn".
Hội Liên hiệp phụ nữ quận Bắc Từ Liêm cũng là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đỗ Thị Kim Chi cho biết, Quận hội đã xây dựng và triển khai các kế hoạch tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo từng giai đoạn. Hiện 13/13 phường đã có 30 chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm đã tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, điển hình là các doanh nghiệp tại làng nghề truyền thống, như bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh, giò chả, giá đỗ Thượng Cát, rau an toàn Minh Khai...
Phát huy vai trò của phụ nữ
Theo Trưởng ban Gia đình xã hội (Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội) Nguyễn Thị Hường, sau 2 năm triển khai thực hiện, toàn thành phố xây dựng được 689 chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm với các nội dung như: Trồng rau, cây ăn quả an toàn; sản xuất sạch; quầy bán thức ăn chín bảo đảm an toàn thực phẩm; sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ…
Từ những mô hình này đã giúp chị em và người dân nâng cao nhận thức, tiến đến thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm bảo đảm an toàn, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Phạm Thị Thanh Hương cho biết, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố xác định công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm của hội.
Nhiều cơ sở hội đã có cách làm cụ thể, với hình thức đa dạng để tuyên truyền cho hội viên nắm rõ được cách chế biến và nhận diện thực phẩm an toàn, kiến thức về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, 10 nguyên tắc vàng trong an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm…
Thông qua các buổi tuyên truyền của hội, bà Nguyễn Thị Chính, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong việc chăm lo cho bữa ăn gia đình bảo đảm vệ sinh, an toàn.
Bà Chính cho biết: “Chúng tôi được tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề về an toàn vệ sinh thực phẩm; thường xuyên trao đổi, chia sẻ cho nhau những thông tin liên quan đến thực phẩm an toàn và vận động cộng đồng cùng sử dụng thực phẩm an toàn”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, các cấp hội thành phố sẽ đổi mới và tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, giám sát; phát triển thêm các điểm phân phối thực phẩm an toàn; đồng thời tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần chung tay mang lại sự an tâm cho người dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.