Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Phòng'' còn hơn ''chống''!

Thế Văn| 27/09/2021 06:04

(HNM) - Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và ngành Nông nghiệp nói chung. Nếu không có các giải pháp chủ động phòng ngừa, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh thì không chỉ gây nên những hệ lụy với đời sống kinh tế - xã hội mà còn khó duy trì mục tiêu tăng trưởng.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng năm 2021, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố; bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố; bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò xảy ra tại 51 tỉnh, thành phố… gây thiệt hại lên đến 1.500 tỷ đồng cho người chăn nuôi. Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang gặp nhiều khó khăn do việc tiêm phòng vắc xin ở nhiều địa phương không được triển khai đồng bộ, thậm chí bị gián đoạn. Chưa kể, nguy cơ xâm nhiễm một số chủng vi rút đang hiện hữu khi việc buôn bán, nhập lậu sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Hoạt động giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm dịp cuối năm cũng gia tăng theo nhu cầu thị trường và “đáp số” cho “bài toán” kiểm soát dịch bệnh vẫn là một thách thức với nhà quản lý... Một nguy cơ nữa không thể không kể đến là thời tiết từ nay đến cuối năm có nhiều biến động, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh lây lan.

Ngành chăn nuôi Hà Nội và cả nước đang đẩy mạnh việc tăng đàn, tái đàn chuẩn bị cho thị trường thực phẩm dự báo sẽ tăng cao sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Do vậy, chủ động phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần được xem là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp cần khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin phòng bệnh. Cùng với đó, luôn coi tiêm phòng như “chìa khóa” của cánh cửa an toàn, để giúp các địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, tổ chức triển khai tiêm vắc xin bảo đảm đúng yêu cầu; đồng thời thúc đẩy các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; kịp thời khoanh vùng, dập dịch không để lây lan trên diện rộng…

Song song, tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, kinh doanh gia súc, gia cầm tại các chợ đầu mối cũng như kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố và từ các địa phương khác vào thành phố. Đặc biệt là chú trọng các giải pháp ngăn chặn vấn nạn nhập lậu sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc qua biên giới. Mặt khác, các địa phương cần gắn chặt việc kiểm dịch với bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Về lâu dài, Hà Nội và các địa phương cũng cần nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; các vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung an toàn dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường vận động và tạo cơ chế hỗ trợ cho các hộ nông dân đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Và đặc biệt, các hộ chăn nuôi cần nhận thức đúng phương châm “phòng dịch tốt thì không phải chống dịch”, từ đó có những giải pháp phù hợp bảo vệ đàn vật nuôi.

Chủ động phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh trên đàn vật nuôi là giải pháp quan trọng, góp phần cho ngành Nông nghiệp hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2021 và những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Phòng'' còn hơn ''chống''!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.