Góc nhìn

Hà Nội: Không để tình trạng “tranh tối tranh sáng”, khoảng trống trong quản lý đất đai

Minh Thúy 02/05/2025 8:35

Trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang khẩn trương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, không một hội nghị, cuộc họp nào của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp lại không không nhấn mạnh đến việc siết chặt công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng.

Thành phố đã liên tục ban hành văn bản để ngăn chặn, song, vi phạm vẫn nảy sinh. Điều này cho thấy vẫn còn khoảng trống từ văn bản đến triển khai trên thực tế...

phu-xuyen.jpg
Một góc làng quê huyện Phú Xuyên. Ảnh: ST

Tin mới và có lẽ cũng là “nóng” nhất trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 trên địa bàn thành phố là ngày 29-4, UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác điều hành hoạt động UBND đối với Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên Lê Văn Thuấn và Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Lê Văn Ấm để tập trung chỉ đạo, tổ chức khắc phục, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương.

Đây là động thái quyết liệt của lãnh đạo huyện Phú Xuyên trước thực trạng một số địa phương để xảy ra tình trạng né tránh, nể nang, dẫn tới phát sinh vi phạm.

Cũng trong ngày 29-4, tại kỳ họp thứ hai mươi hai (kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024).

Theo đó, 71 hành vi vi phạm hành chính quy định tại 22 điều (từ Điều 8 đến Điều 29) của Nghị định số 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ sẽ có mức phạt bằng hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính... Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.

Thực tế, công tác quản lý đất đai không phải đến thời điểm này mới “nóng”, nhưng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm hơn. Ngày 3-4, tại Hội nghị giao ban quý I-2025 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã nhấn mạnh, thành phố yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải thể hiện trách nhiệm cao nhất, không để xảy ra tình trạng “tranh tối tranh sáng” hay khoảng trống trong quản lý.

Tiếp đó, ngày 22-4-2025, UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho vi phạm phát sinh; xử lý triệt để ngay từ đầu các trường hợp vi phạm.

Cũng trên tinh thần này, tại hầu hết cuộc họp của cấp ủy, chính quyền địa phương, nội dung về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng cũng đều được nhắc nhở, chấn chỉnh, đôn đốc, nhưng quan trọng là việc phát hiện và ngăn chặn vi phạm trên thực tế được thực hiện đến đâu?

Để không còn khoảng trống trong công tác quản lý đất đai, điều tiên quyết vẫn là các cấp, các ngành phải siết chặt việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc phải dựa trên “thước đo” cụ thể về những phần việc các cán bộ, công chức được giao phải hoàn thành. Người nào để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực mình phụ trách thì phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả đến cùng.

Dự kiến vị trí việc làm của nhiều cán bộ, công chức, người lao động sẽ thay đổi, xáo trộn sau thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính nên sẽ có người thực hiện nhiệm vụ theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, thậm chí cố tình “bật đèn xanh” cho vi phạm có cơ hội tiếp diễn... Vì thế, việc kiểm tra, giám sát với người được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng phải chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn; cần ấn định thời gian báo cáo tình hình vi phạm theo từng ngày nhằm ràng buộc trách nhiệm xử lý. Đặc biệt, phải có sự giám sát chéo trong cùng đơn vị để kịp thời phát hiện các dấu hiệu “bảo kê”, tiếp tay vi phạm...

Thực tiễn hiện nay ở không ít địa phương, những cán bộ kế nhiệm thường phải mất rất nhiều công sức, thời gian để giải quyết “hậu quả” vi phạm đất đai, trật tự xây dựng của cán bộ tiền nhiệm để lại. Đây là nỗi bức xúc không dễ tỏ bày.

Để không lặp lại tình trạng này, yêu cầu giải quyết kịp thời, triệt để mọi vi phạm ngay thời điểm phát sinh là yêu cầu cấp thiết. Vì thế, mỗi cán bộ, công chức, người lao động phải phát huy tinh thần trách nhiệm, giữ phẩm chất liêm chính, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân...

Trong lúc cả hệ thống chính trị của thành phố đang dồn sức thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, mỗi cán bộ thực thi công vụ tự giác chấp hành, cụ thể hóa những chỉ đạo từ văn bản thành giải pháp trong thực tiễn để ngăn ngừa vi phạm...

Sắp tới, sau sắp xếp, đơn vị hành chính cấp cơ sở sẽ tăng trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, phạm vi quản lý rộng hơn, đòi hỏi về năng lực cán bộ cũng cao hơn... Do đó, đây là "phép thử" với mỗi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Vì vậy, để đi đến ngày mai, không có lý do gì để thoái thác trách nhiệm từ hôm nay - đó là yêu cầu đặt ra với mỗi địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chi bộ trong thời điểm lịch sử này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Không để tình trạng “tranh tối tranh sáng”, khoảng trống trong quản lý đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.