Nông nghiệp - Nông thôn

Việt Nam có hơn 500 loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm

Quỳnh Dung 28/12/2024 - 12:35

Ngày 28-12, Cục Thú y, Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vắc xin thú y tại Việt Nam”.

thuy-28-12.jpg
Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy phát biểu khai mạc. Ảnh: Tùng Đinh

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, trong bối cảnh nhiều biến thể dịch bệnh như hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh trong chuồng trại, đàn vật nuôi cần được thực hiện chặt chẽ và bảo vệ nghiêm ngặt.

Vắc xin là biện pháp hiệu quả trong giảm thiểu thiệt hại, giúp sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Sử dụng vắc xin không chỉ giúp giảm bệnh truyền nhiễm, mà còn bảo đảm quy trình chăn nuôi an toàn cho vật nuôi.

Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vắc xin thú y; sản xuất được một số loại vắc xin phòng bệnh quan trọng, như: Cúm gia cầm (Navet-Vifluvac) năm 2012; vắc xin phòng bệnh tai xanh năm 2015; vắc xin lở mồm, long móng năm 2018; vắc xin phòng bệnh dại năm 2019 và gần đây nhất là vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi (NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE) vào năm 2022.

Đặc biệt, Việt Nam đã sản xuất thành công, chính thức xuất khẩu vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam sang 5 nước, đánh dấu thành tựu lớn và được thế giới công nhận.

quang-canh-28-12.jpg
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh ngành chăn nuôi Việt Nam đang bùng nổ cả về quy mô và số lượng, việc phòng ngừa dịch bệnh thông qua vắc xin, không chỉ giúp giảm thiệt hại về kinh tế, mà còn góp phần quan trọng giảm sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa nguy cơ kháng các loại kháng sinh - vấn đề cấp bách của ngành Y tế và thú y toàn cầu. Hiện tại, Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO, trong đó có 12 cơ sở sản xuất vắc xin thú y…

nghien-cuu-vac-xin.jpeg
Các đơn vị nghiên cứu vắc xin. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin thú y của Việt Nam không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học, công nghệ với các nước hàng đầu thế giới, như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Mỹ... với công nghệ tiên tiến nhất và các nhà khoa học, tổ chức như FAO, WOAH, đối tác quốc tế.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, CDC, các phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế đối với các bệnh nguy hiểm trên động vật như cúm gia cầm, lở mồm, long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, dại...

Hiện, cả nước có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc xin cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO với tổng số 218 loại vắc xin và 340 loại vắc xin nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu phòng các bệnh trên gia súc, gia cầm trong nước…

tiem-phong-vac-xin.jpg
Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam có đường biên giới dài, hoạt động trao đổi thương mại, đi lại giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh mới, bao gồm cúm gia cầm chủng mới, dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục, lây lan nhanh chóng. Vì vậy, với sự vào cuộc đồng bộ từ của các cơ quan chuyên môn, hiệp hội, doanh nghiệp… công tác nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vắc xin được bảo đảm, góp phần không nhỏ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống và thu nhập cho người dân; hướng đến mục tiêu tối ưu hóa chi phí vắc xin, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng chăn nuôi…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có hơn 500 loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.