(HNMCT) - Tuy không phải là những bộ phim làm mưa làm gió về doanh thu, song phim về đề tài gia đình, đặc biệt là hàn gắn chấn thương đa thế hệ, luôn được xem là có tính vĩnh cửu, đầy tính thử thách của điện ảnh thế giới. Và không ngạc nhiên khi đó cũng là những ứng viên nặng ký trong lịch sử giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar.
"Cuộc chiến đa vũ trụ"
Trong danh sách đề cử giải Oscar 2023 được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ công bố ngày 24-1, nam diễn viên người Mỹ gốc Việt Quan Kế Huy, 51 tuổi, được đề cử giải Oscar 2023 dành cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (trong bộ phim “Everything Everywhere All At Once” - tạm dịch: “Cuộc chiến đa vũ trụ”). Trước đó, anh đã thắng giải Nam diễn viên phụ xuất sắc phim điện ảnh tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 80 cũng với vai diễn này. Chiến thắng của nam diễn viên khiến dư luận trong nước đặc biệt để ý đến bộ phim “Everything Everywhere All at Once” - bộ phim giành được 11 đề cử giải Oscar.
“Everything Everywhere All At Once” thuộc thể loại kết hợp giữa võ thuật, hoạt hình, hài và khoa học viễn tưởng. Điều đặc biệt, “Everything Everywhere All at Once” đề cập rất sâu sắc, nhưng theo một cách rất mới lạ về vấn đề gia đình. Phim xoay quanh một người Mỹ gốc Hoa nhập cư tên là Evelyn Quan (do Dương Tử Quỳnh thủ vai), cùng người chồng nhu mỳ tên Waymond (Quan Kế Huy đóng) mở một tiệm giặt là. Cuộc đời của Evelyn đang trong cảnh bế tắc: Tiệm giặt là thua lỗ, gặp rắc rối về thuế má, chồng bà muốn nộp đơn ly hôn, còn con gái muốn tự tử vì không được mẹ chấp nhận xu hướng tính dục. Trong gia đình nhỏ, Evelyn thất bại trong giao tiếp với chồng con. Bà không lắng nghe, không tôn trọng chồng. Bà cũng là người mẹ độc hại trong mắt con gái. Lúc nào bà cũng tất bật, tự đặt áp lực phải làm hài lòng người cha già - người không bao giờ chịu hài lòng về bà… Trong lần gặp nhân viên thuế vụ để giải quyết tài chính, Evelyn vô tình gặp một phiên bản khác của người chồng Waymond từ vũ trụ Alpha. Anh nói cô là phiên bản Evelyn duy nhất có thể ngăn chặn Jobu Tupaki, ác nhân đang muốn phá hủy sự yên bình của đa vũ trụ, cũng là một phiên bản khác của con gái bà. Evelyn phải học cách đi xuyên các thế giới, vận dụng mọi kỹ năng mà những phiên bản khác đang có để chống lại cái ác.
Bộ phim đề cập đến những mâu thuẫn, tổn thương gia đình mang tính thế hệ và giải quyết nó bằng một câu chuyện giả tưởng. Chúng ta thường kỳ vọng ở mình và cả người thân ở những phiên bản tốt hơn, nhưng không bao giờ có thể tìm thấy phiên bản nào là hoàn hảo, và rồi chúng ta nhận thấy hạnh phúc thực sự nằm ở ngay đây, trong thế giới bình dị này chứ không phải là ở vũ trụ nào, ở phiên bản mơ ước nào cả.
Dạy cách hàn gắn
Trong lịch sử giải Oscar, rất nhiều bộ phim về đề tài hàn gắn gia đình đã được vinh danh. Loạt hoạt hình được đề cử Oscar năm 2022, gồm “Encanto”, “Luca”, “The Mitchells vs. the Machines” và “Raya and the Last Dragon”, mang đến sự cân nhắc nghiêm túc về vấn đề gia đình tan vỡ trong những câu chuyện chủ yếu được kể cho khán giả trẻ. Những bộ phim này củng cố một giai đoạn mới trong cách kể chuyện gia đình: Không phải chỉ lấy nước mắt, hình ảnh tuyệt đẹp hoặc đột phá về mặt công nghệ để lay động khán giả, câu chuyện phải nói lên mối quan hệ phức tạp nhiều mặt vượt ra ngoài những xung đột quen thuộc. Trong đó, bộ phim ''Encanto'' đã giành chiến thắng tại hạng mục ''Phim hoạt hình xuất sắc'' tại lễ trao giải Oscar lần thứ 94. Vở nhạc kịch hoạt hình hấp dẫn của Disney này không có nhân vật phản diện thông thường, mà là tổn thương mang tính thế hệ đã đè nén lên những đứa trẻ. Abuela Alma, thủ lĩnh đáng gờm của gia tộc ma thuật Madrigal là một người phụ nữ có số phận bi kịch, chồng bị giết bởi những kẻ hiếu chiến. Alma có những đứa con có tài năng siêu phàm được sinh ra từ sức mạnh của sự hận thù và đau khổ của cô. Alma rất tự hào về bọn trẻ nhưng lại đặt chúng trong một áp lực khủng khiếp phải gánh chịu mối thù của tổ tiên, điều đó gần như khiến gia đình tan nát...
Gần một thập niên trước, sự mới lạ, độc đáo trong cách thể hiện mối bất hòa chị em yêu - ghét của “Frozen” đã dẫn đến hàng tỷ đô la cho bộ phim này. Tương tự, các phim “Moana” hay “Coco” đều chứng minh giá trị của việc sắp xếp lại những câu chuyện cổ điển dành cho khán giả hiện đại đã mang đến thành công vượt trội về doanh thu phòng vé.
Theo nghiên cứu của nhà xã hội học Karl Pillemer thuộc Đại học Cornell, gần 30% số người Mỹ trưởng thành bị người thân ghẻ lạnh một cách bất hạnh, và sự tác động của điều đó tới cá nhân và cộng đồng đã được viết ra. Với sự phổ biến của những rạn nứt này, không có gì ngạc nhiên khi các bộ phim hướng đến gia đình đều cố gắng chỉ ra và hàn gắn điều này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.