(HNM) - Ngày 17-5 vừa qua, nhà du hành vũ trụ Viktor Gorbatko đã qua đời tại bệnh viện Mandryk ở thủ đô Mátxcơva (Nga) sau thời gian dài chữa bệnh.
Dù không nổi danh khắp thế giới như Yuri Gagarin - người đầu tiên bay vào vũ trụ - nhưng Viktor Gorbatko lại được người dân Việt Nam nhớ đến và yêu mến như một người bạn thân thiết, người đồng hành trong chuyến bay lịch sử cùng phi hành gia đầu tiên của Việt Nam, Anh hùng Phạm Tuân.
Du hành gia Gorbatko (phải) và phi công Phạm Tuân khi hai người trở về Trái Đất sau chuyến bay vào vũ trụ. Ảnh: TTXVN. |
Nhà du hành vũ trụ Viktor Gorbatko (tên đầy đủ là Viktor Vasiliyevich Gorbatko) sinh ngày 3-12-1934 và lớn lên tại Bắc Kavkaz (Liên Xô). Nuôi đam mê với ngành hàng không qua những câu chuyện về các phi công dũng cảm của quân đội, chàng thanh niên Gorbatko gia nhập Hồng quân Liên Xô năm 1952 khi vừa tròn 18 tuổi và được gửi tới trường Hàng không quân đội số 8 đóng tại thị trấn Pavlograd (nay thuộc Ukraine). Ông tốt nghiệp ngày 23-6-1956 với cấp bậc Trung úy Không quân Liên Xô. Chỉ một năm sau đó, Gorbatko trở thành phi công cao cấp và là một trong những thành viên được tuyển chọn cho đội phi hành gia đầu tiên vào năm 1959.
Trong một bài phỏng vấn với trang RT được đăng tải vào tháng 4-2011, ông Gorbatko từng cho biết, sau khi được Bộ Quốc phòng và các quan chức hàng đầu Liên Xô phê duyệt, quá trình tuyển chọn thành viên cho đội phi hành gia đầu tiên của Liên Xô và cũng là đội phi hành gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu. Từ hồ sơ của 3.500 phi công, họ chọn ra 450 người cho các đợt kiểm tra sức khỏe thể chất và tinh thần. Đến tháng 6-1959, tổng cộng 20 người được lựa chọn và trở thành đội phi hành gia đầu tiên của Liên Xô. Tuy nhiên, chỉ có 12 người được tham gia huấn luyện bay, trong đó có cả huyền thoại Yuri Gagarin. Có người bị loại vì lý do sức khỏe, cũng có người bị trục xuất vì vi phạm kỷ luật.
Chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của phi hành gia Gorbatko diễn ra vào tháng 10-1969 trên tàu vũ trụ Soyuz-7. Lần thứ hai, ông tham gia sứ mệnh trên tàu vũ trụ Soyuz-24 và trạm quỹ đạo Salyut-5 vào tháng 2-1977 với tư cách chỉ huy. Hơn 3 năm sau, chuyến bay thứ ba của ông diễn ra cùng phi hành gia đầu tiên của Việt Nam Phạm Tuân vào tháng 7-1980 trên tàu vũ trụ Soyuz-37 và trạm quỹ đạo Salyut-6.
Hành trình mang tầm vóc lịch sử của nhà du hành vũ trụ Gorbatko và Phạm Tuân được nhiều người ví như một câu chuyện cổ tích có thật. Chuyến bay bắt đầu lúc 21h33 ngày 23-7-1980 từ sân bay vũ trụ quốc tế Baikonur và trở về Trái đất lúc 18h15 ngày 31-7-1980 (giờ Mátxcơva) trên tàu vũ trụ liên hợp Soyuz-37. Trong 7 ngày, 20 giờ, 42 phút bay ngoài vũ trụ, hai phi hành gia đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quanh quỹ đạo Trái đất, tiến hành 30 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không, xây dựng bản đồ độ ẩm vùng Đồng bằng sông Hồng, chuẩn bị cho việc xây dựng trạm mặt đất Hoa Sen phục vụ thông tin liên lạc qua hệ thống Intersputnik tại Việt Nam. Kết quả thu được từ chuyến đi trở thành cơ sở cho nhiều nghiên cứu khoa học sau này của Liên Xô và Việt Nam.
Sau khi rời chương trình không gian vào năm 1982, ông Gorbatko giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật Không lực ở thủ đô Mátxcơva. Năm 1992, ông nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tướng. Ông đã tích cực tham gia các hoạt động hữu nghị và được trao tặng nhiều danh hiệu, huân chương cao quý của Liên Xô và quốc tế như Anh hùng Liên Xô, Huân chương Lênin, Huân chương Sao đỏ, Anh hùng Mông Cổ, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam và Huân chương Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.