(HNM) - Ngày 20-1, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội sẽ tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô 2014.
Trong số các tác phẩm được trao giải, có tập phê bình, tiểu luận văn học "Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo" của nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân. Dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi cùng nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải.
Nhà thơ, nhà phê bình Phạm Khải. |
- Xin chúc mừng anh với tập sách vừa giành Giải thưởng VHNT Thủ đô. Có thể nhận thấy trong cuốn sách này của anh một thái độ dấn thân rõ ràng khi nhiều bài viết đề cập thẳng tới những vấn đề nóng của đời sống văn nghệ. Có phải đây cũng là lợi thế của một người viết phê bình - làm báo?
- Cuốn sách của tôi, như nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng đã chỉ ra, gồm hai mảng: “Chiều trước” và “Chiều sau” của văn chương. Ở phần “Chiều trước”, là những bài suy ngẫm về những tác giả, tác phẩm ở “thì quá khứ”, như các bài “Ai vẽ được nàng Kiều?”, “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu”, “Từ Thơ Mới nghĩ về thơ trẻ”… Còn ở phần “Chiều sau” là những bài “đề cập thẳng tới những vấn đề nóng của đời sống văn nghệ” như bạn nhận xét. Tôi không cho rằng đây là lợi thế mà là nhiệm vụ của mình, nếu không muốn nói là một “phản xạ nghề nghiệp” của một người làm báo có tư chất phê bình văn học, cần có tiếng nói biện giải cho độc giả những hiện tượng bất thường, những vấn đề nổi cộm trong đời sống văn hóa văn nghệ nước nhà.
- Đã có những tranh luận về phê bình hàn lâm và phê bình báo chí. Các bài tiểu luận, phê bình văn học của anh trong tập này đều là những bài đã đăng báo. Anh nghĩ gì về vai trò của phê bình báo chí trong đời sống VHNT hiện nay?
- Tôi không rõ các nhà nghiên cứu định nghĩa thế nào là phê bình hàn lâm, thế nào là phê bình báo chí? Theo quan điểm của tôi, phê bình hàn lâm phải là sự phê bình dựa trên một nền tảng kiến thức sâu rộng, có hệ thống, nói cái nhất thời nhưng chất chứa đằng sau cả một bề dày hiểu biết về quá khứ; còn phê bình báo chí là phê bình theo kiểu điểm xuyết, có giá trị ứng dụng nhất thời và nặng về yếu tố thông tin. Nhưng tôi cho rằng, hiện không ít người đang có cách nhìn sai lệch, nặng cảm tính về vấn đề này. Hình như với họ, các bài phê bình văn học đăng trên báo chí, nhất là trên những tờ báo chính trị, xã hội đều được cho vào một rọ là “phê bình báo chí”. Còn phê bình hàn lâm là những bài dài hơi, được đăng trên những tờ tạp chí của các viện, đặc biệt là với những bài trích dẫn nhiều những thuật ngữ chuyên ngành. Nghĩ thế thì thật đơn giản. Vấn đề không phải là cứ trích dẫn nhiều là thành ra uyên bác, thành “phê bình hàn lâm”, mà là anh đặt ra trong bài viết của mình vấn đề gì, có giá trị phổ quát không, và cách lý giải, phân tích có mạch lạc, có xác đáng, thấu tình đạt lý không? Theo tôi, cả phê bình hàn lâm và phê bình báo chí đều cần thiết, đều có chỗ đứng trong cuộc sống. Vấn đề là chúng ta đừng lẫn lộn.
- Anh làm thơ từ khá sớm và cũng nổi tiếng sớm với tư cách một nhà thơ. Nhưng hình như từ năm 1992 đến nay, anh không in tập thơ mới nào? Anh nghĩ gì về sự vắng mặt hai mùa liên tiếp của thơ ở Giải thưởng VHNT Thủ đô?
- Đúng là từ năm 1992 tới nay tôi chưa in thêm tập thơ nào, mặc dù thi thoảng tôi vẫn làm thơ. Kể thì đến năm 1995, tôi cũng có thể in thêm một tập thơ nữa, song vì một lý do riêng nên tôi vẫn nấn ná chưa xuất bản. Tuy nhiên, trên báo, đây đó bạn đọc vẫn bắt gặp những bài thơ mới của tôi được trích ra từ chính tập này.
Về việc hai mùa liên tiếp không có tập thơ nào được trao tặng Giải thưởng VHNT Thủ đô, vì tôi không tham gia ban giám khảo và cũng không thực tâm theo dõi vấn đề này nên xin không có câu trả lời chính thức. Tuy nhiên, trước đây, nhân nhiều năm liền không có tập thơ nào lọt vào giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, trong một bài phỏng vấn nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng thơ khi ấy, tôi có đặt câu hỏi, phải chăng vì Hội đồng Chung khảo giải thưởng có 11 người, trong đó chỉ 4 người là chuyên về thơ nên đấy cũng là một thiệt thòi cho thơ khi mà ai cũng biết: Cái hay của một tập văn xuôi thường bao giờ cũng được nhận biết và đồng nhất hơn so với một tập… văn vần - một thể loại mang tính đặc thù.
- Anh cũng có khá nhiều tập bình thơ. Ở công việc này, anh tìm thấy điều gì thú vị?
- Tôi là người yêu thơ và thuộc rất nhiều thơ. Mà, như ai đó từng nói, khi yêu, người ta thường muốn… chiếm đoạt. Tôi yêu thơ và cách “chiếm đoạt” một cách tự nhiên nhất chính là với sự đồng điệu của mình, tôi bình những câu thơ, bài thơ hay đó để chia sẻ cái hay với mọi người. Trong đề từ tập bình thơ “Sự sống thật” (1992), tôi đã đưa vào câu thơ của Tố Hữu “Tôi buộc lòng tôi với mọi người/Để tình trang trải với trăm nơi”. Bình thơ cũng là một cách để “Tôi buộc lòng tôi với mọi người” như thế.
- Vâng, bình thơ nói riêng và phê bình nói chung với anh chắc cũng vì lẽ ấy. Một câu hỏi cuối cùng, không mới nhưng có lẽ vẫn cần thiết, nhà văn, nhà báo có vị trí thế nào trong cuộc sống của anh?
- Đối với tôi, báo là nghề, văn là nghiệp. Tôi không coi thứ nào quan trọng hơn thứ nào, song sự thực là, “nghề” tuy là thứ gắn bó sát sườn với cuộc sống thực của ta, nhưng nó chỉ có thể kéo dài trong một khoảng thời gian nào đó, như thể quãng thời gian ta gắn bó với cơ quan vậy. Còn “nghiệp” là thứ theo ta cả đời. Tôi đến với văn chương từ ngày thơ bé và chắc chắn chỉ chia tay với nó khi tay không còn cầm được bút.
- Xin cảm ơn anh và chúc anh nhiều thành công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.