(HNM) - Để thu hút đầu tư, phát triển ngành vận tải thủy nội địa xứng tầm thì rất cần làm rõ
Vận tải ven bờ phát triển mạnh sẽ góp phần giảm tải cho đường bộ. Ảnh: Huy Lộc |
Chưa tương xứng với tiềm năng
Là quốc gia có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy thuận lợi, liên thông giữa các địa phương và các vùng trong cả nước, vận tải đường thủy ở Việt Nam còn có nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, ít ô nhiễm môi trường, vận chuyển được nhiều loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Nhằm phát huy những lợi thế trên, từ năm 2014 Bộ Giao thông - Vận tải đã mở tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình - Bình Thuận - Kiên Giang dành cho tàu pha sông biển.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tuyến vận tải ven biển đầu tiên được triển khai đã đem lại bước đột phá lớn, kết nối vận tải đường sông - ven biển - đường bộ thông suốt Bắc - Trung - Nam. Sau hơn 2 năm mở tuyến đã có hơn 900 doanh nghiệp tham gia. Tính đến nay, đội tàu pha sông biển đã có 1.302 chiếc (trong đó có 32 tàu chuyên chở container) hoạt động chủ yếu trên các chặng Quảng Ninh - Quảng Bình, Quảng Bình - Bình Thuận, Bình Thuận - Kiên Giang.
Hàng hóa được vận chuyển trên tuyến khá đa dạng. Trong đó, chặng từ Quảng Ninh, Hải Phòng đi Thanh Hóa, Hà Tĩnh chủ yếu là vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, than... Chiều ngược lại từ Nghệ An, Hà Tĩnh đi Hải Dương chủ yếu là vật liệu đá. Chặng từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là nguyên liệu, phụ gia cho các nhà máy xi măng, xăng dầu và hàng hóa tổng hợp. Tuyến từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Kiên Giang và ngược lại gồm các mặt hàng tổng hợp như: Gạo, phân bón, vật liệu xây dựng, gỗ, hàng tiêu dùng...
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhận định, vận tải đường thủy trong thời gian qua có sự tăng trưởng vượt bậc, chiếm 18% thị phần vận tải hàng hóa, mức tăng trưởng 5-6%/năm. Nhiều mặt hàng vốn trước đây chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ như quặng, xi măng, sắt thép, nông sản... nay đã chuyển sang đường thủy để giảm chi phí vận tải. Tuy nhiên, vận tải đường thủy vẫn chưa khai thác được hết lợi thế của loại hình vận tải này. Nguyên nhân chủ yếu là phương tiện khai thác vận tải thủy phần lớn đã cũ và lạc hậu; công tác đầu tư hạ tầng, duy tu, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức; mô hình tổ chức kinh doanh vận tải còn manh mún, nhỏ lẻ; sự kết nối với các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển chưa phù hợp và chưa có quy hoạch hợp lý để tạo thành một mạng lưới liên thông...
Có thể nói, hạ tầng giao thông đường thủy đóng vai trò then chốt nhằm thúc đẩy vận tải đường thủy phát triển, nhưng hiện vẫn chưa được chú ý đầu tư. Có những tuyến luồng tuy nguồn container và hàng hóa nhiều, ổn định, song vẫn phải sử dụng xà lan tải trọng nhỏ để khai thác. Nguyên nhân do một số tuyến luồng hạn chế về tĩnh không, bãi bồi, luồng hẹp và thậm chí bị cạn, bị các công trình dân dụng lấn chiếm. Vì vậy, đầu tư nâng cấp các công trình giao thông thủy và tăng năng lực thông qua của các tuyến luồng là nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Cách nào huy động các nguồn lực?
Việc đẩy mạnh phát triển vận tải thủy nội địa sẽ góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, phát huy lợi thế địa phương, tạo ra thị trường vận tải mới, có giá cước hợp lý, cạnh tranh... Theo ông Hoàng Hồng Giang, để vận tải thủy nội địa phát triển xứng với tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế cần có những chính sách đầu tư hợp lý cũng như sự quan tâm phối hợp của các ngành, các cấp và sự quyết liệt đổi mới của tự thân ngành Đường thủy. Đồng thời, cũng cần huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để phát triển vận tải thủy nội địa kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác; khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng có kết hợp đầu tư mới việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa...
Thời gian tới, Cục tiếp tục tổ chức các hội nghị tiếp xúc với doanh nghiệp vận tải có phương tiện hoạt động pha sông biển nhằm nắm bắt khó khăn, bất cập để có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực vận chuyển; phối hợp với các địa phương rà soát các bến cảng thủy nội địa, luồng, cửa sông, năng suất bốc dỡ hàng hóa... tiến tới nâng cao năng lực tiếp nhận tàu pha sông biển.
Tháng 4-2017, tại buổi làm việc với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới cũng nhận xét, tiềm năng và lợi thế của hệ thống giao thông đường thủy Việt Nam rất cao nhưng lại chưa được phát huy đúng mức. Biểu hiện rõ nhất là hiệu suất đầu tư cho lĩnh vực này chiếm tỷ lệ rất thấp trong cơ cấu đầu tư của toàn ngành Giao thông - Vận tải. Vì vây, ngành giao thông đường thủy nội địa cần phải làm rõ những vấn đề về lợi ích đầu tư, hiệu quả kinh tế nhằm huy động được các nguồn vốn, đánh giá định lượng về các cơ hội đầu tư cụ thể theo phương thức hợp tác nhà nước - tư nhân nhằm nâng cao hiệu quả của lĩnh vực giao thông - vận tải có chi phí thấp nhưng cho hiệu quả kinh tế cao này.
Theo đề án tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025: đến năm 2020, đường bộ chỉ còn đảm nhận 54,4% thị phần, đường sắt 4,3%, đường thủy nội địa tăng lên 32,4%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.