(HNMCT) - Du lịch golf là dòng sản phẩm du lịch cao cấp có khả năng thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao. Nắm bắt được nguồn lợi nhuận lớn này, nhiều nước trên thế giới đã đầu tư cơ sở hạ tầng, sân golf, khu nghỉ dưỡng cao cấp... để thu hút các golfer (người chơi golf) và phát triển du lịch golf như một dòng sản phẩm siêu lợi nhuận.
Du lịch golf là dòng sản phẩm cao cấp có khả năng thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao. |
Với sự đa dạng về địa hình, phong phú về hệ sinh thái cùng các bãi biển đẹp, Việt Nam sở hữu những lợi thế tuyệt vời để phát triển dòng sản phẩm này. Nhưng để “con gà” du lịch golf đẻ “trứng vàng” còn rất nhiều việc phải làm.
Thị trường tăng trưởng hàng đầu
Loại hình du lịch golf du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, khoảng năm 1932, khi vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn đã cho người xây dựng một sân golf riêng tại Đà Lạt. Nhưng phải đến những năm 90 của thế kỷ XX, môn thể thao này mới bắt đầu được người Việt Nam biết đến thông qua các nhà đầu tư nước ngoài.
Những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành một trong những “điểm nóng” về phát triển các sân golf với tiêu chuẩn quốc tế. Trong hai năm liên tiếp (2017 - 2018), Việt Nam liên tục được tạp chí Asia Golf công nhận là "Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh phát triển du lịch golf.
Du lịch golf từ lâu đã được các nước coi là một ngành kinh tế mang lại lợi nhuận khổng lồ. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO), thế giới hiện có khoảng 60 triệu golfer, họ thường chi tiêu nhiều hơn 2 lần so với mức chi tiêu của khách du lịch thông thường.
IAGTO hiện có 61 quốc gia thành viên với khoảng 638 công ty du lịch golf, kiểm soát 87% thị trường toàn cầu, tạo ra khoảng 2,5 tỷ USD giao dịch hằng năm với khoảng 1,9 triệu golfer thường xuyên di chuyển tới các sân golf. Du lịch golf được xếp thứ 3 về động cơ du lịch. Du lịch golf được đánh giá là thị trường ngách có tốc độ phát triển mạnh mẽ, mang lại doanh thu cao, tạo cơ hội việc làm cho người dân ở các điểm đến trên toàn thế giới.
Với khí hậu nhiệt đới nắng ấm quanh năm, đường bờ biển dài với các bãi biển đẹp, có nhiều vịnh và đồi núi hùng vĩ, cảnh quan đa dạng, hệ sinh thái phong phú..., Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch golf. Việt Nam được coi là nơi lý tưởng, có thể đáp ứng được các tiêu chí khắt khe về phát triển du lịch golf cũng như phục vụ đối tượng khách là các golfer có mức chi tiêu cao.
Không những thế, Việt Nam còn nằm ở vị trí trung tâm của châu Á, nơi loại hình du lịch golf đang rất phát triển, với 149 sân golf đang hoặc sắp được xây dựng, chiếm 28% số sân đang được phát triển trên toàn thế giới. Trong khi đó, Việt Nam hiện có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế trong tổng số 60 sân được Chính phủ quy hoạch đến năm 2020.
Các sân golf của Việt Nam được thiết kế hiện đại, có khả năng cạnh tranh với các sân golf tốt nhất của các nước láng giềng bởi sự đa dạng về địa hình, môi trường, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa. Chính vì lẽ đó, tạp chí Forbes đã đánh giá, Việt Nam là thị trường tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Khó khăn vẫn ở phía trước
Tuy nhiên, du lịch golf của Việt Nam vẫn đang chập chững những bước phát triển đầu tiên mà chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh với các nước trong khu vực. Trong khi chúng ta mới có 32 sân golf đang hoạt động thì các nước láng giềng như Indonesia đã có 152 sân, Malaysia có 230 sân, Thái Lan có 300 sân.
Tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf mới chỉ chiếm 0,8% trên tổng số 15 triệu lượt khách, trong khi đó ở Malaysia là 2% trên tổng số 25 triệu lượt, Thái Lan là 9% trên tổng số 35 triệu lượt khách. Đây là một thực tế đáng phải suy nghĩ đối với một quốc gia được đánh giá có tiềm năng về du lịch golf như Việt Nam.
Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Công ty lữ hành HanoiRedtours cho rằng, sở dĩ Việt Nam chưa phát triển du lịch golf tương xứng với lợi thế của mình là bởi việc liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các sân golf chưa chặt chẽ, du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như du lịch MICE, tàu biển, nghỉ dưỡng... Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ du lịch golf chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tổ chức được các giải đấu chuyên nghiệp cũng như chưa liên kết với các sân golf nên giá trị sản phẩm chưa cao.
Còn theo ông Vũ Đức Biên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, hạn chế lớn nhất của nước ta khi khai thác loại hình du lịch cao cấp này là thiếu đường bay thẳng đến các địa phương có sân golf.
“Đà Lạt hiện có 3 sân golf đẹp nhưng khách quốc tế muốn đến phải trung chuyển qua Hà Nội, Đà Nẵng hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu quốc tế về du lịch golf”, ông Biên nói.
Bài toán về xây dựng thương hiệu quốc tế cho du lịch golf được Thái Lan làm rất tốt trong những năm qua. Chiến lược quảng bá du lịch golf của nước này được coi là hình mẫu lý tưởng cho nhiều quốc gia, trong đó Hội chợ du lịch golf Thái Lan (TGTM) tổ chức thường niên là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên thành công.
Hội chợ này là “sân chơi” cho các đơn vị điều hành golf (buyers - người mua) gặp gỡ với các đơn vị cung cấp dịch vụ của Thái Lan (sellers - người bán) gồm: Đại diện các sân golf, học viện golf, hãng dụng cụ, lữ hành, điều hành tour, khách sạn, spa... Tất cả tạo thành một mạng lưới cung cấp dịch vụ khép kín, đưa đến cho khách du lịch golf những dịch vụ trọn gói hoàn hảo, chất lượng. Nhờ đó, Thái Lan ngày càng khẳng định vị thế của một điểm đến du lịch golf hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Việt Nam có thể học tập cách làm chuyên nghiệp của Thái Lan để tạo dựng thương hiệu quốc tế bằng những hội chợ, giải đấu có uy tín. Nhưng để có thể phát triển một cách bài bản, chuyên nghiệp, cần có một tổ chức là “cầu nối” giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp lữ hành với các sân golf.
Mới đây, Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam đã được thành lập nhằm thúc đẩy sự phát triển của du lịch golf và dòng sản phẩm du lịch chất lượng cao, từ đó gia tăng giá trị và vị thế của du lịch Việt Nam nói chung, du lịch golf nói riêng trên bản đồ du lịch thế giới. Nếu làm tốt, chắc chắn du lịch golf sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngành Du lịch Việt Nam trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.