(HNM) - Chương trình xúc tiến, quảng bá, khai trương du lịch Ba Vì năm 2014 với chủ đề:
Tăng trưởng ổn định
Cách trung tâm Hà Nội 60km về phía tây, Ba Vì là vùng đất địa linh nhân kiệt, địa danh gắn liền với truyền thuyết huyền thoại "Sơn Tinh, Thủy Tinh". Nơi đây có 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao cùng sinh sống, tạo nên nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, kho tàng lịch sử, văn hóa đặc sắc với hơn 500 di tích đang hiện hữu, trong đó có những ngôi đình được các nhà nghiên cứu xếp vào loại đình cổ nhất, kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam như: Đình Tây Đằng, đình Thụy Phiêu, đình Thanh Lũng… Cùng với bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, Ba Vì còn được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hoang sơ, có đủ núi, rừng, sông, suối... Đặc biệt, quần thể di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ trên núi Ba Vì từ lâu đã là điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn của du khách trong nước, quốc tế. Như vậy, Ba Vì hội đủ các yếu tố cần thiết để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh…
Nhận thức rõ tiềm năng du lịch, ngày 31-3-2011, Huyện ủy Ba Vì đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/HU về "Phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo" nhằm từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau ba năm thực hiện Nghị quyết 09, du lịch Ba Vì đạt mức tăng trưởng ổn định. Nếu như năm 2011, Ba Vì đón gần 2,1 triệu lượt khách thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên 2,3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch tăng từ 140 tỷ đồng năm 2011 lên 210 tỷ đồng năm 2013 (vượt 5% so với mục tiêu Nghị quyết 09 đề ra). Những điểm du lịch tạo dựng được thương hiệu, hoạt động ổn định, hiệu quả là Ao Vua, Khoang Xanh, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà, Đầm Long, Vườn quốc gia Ba Vì, hồ Tiên Sa… Nhờ đó, Ba Vì từ một điểm du lịch chưa được nhiều người biết đến, nay đã trở thành một trong những trung tâm du lịch của Thủ đô Hà Nội nói riêng, của vùng Bắc bộ nói chung.
Mặc dù du lịch Ba Vì tăng trưởng ổn định, song chất lượng du lịch Ba Vì vẫn còn những hạn chế nhất định. Các điểm du lịch còn phân tán; sản phẩm du lịch chưa đa dạng; sự liên kết giữa các cơ sở du lịch trong vùng với nhau chưa chặt chẽ; quảng bá du lịch chưa sâu; nguồn lực đầu tư còn thấp… Vì thế, lượng khách du lịch đến Ba Vì tuy đông, nhưng doanh thu từ du lịch vẫn còn hạn chế. Làm thế nào để giữ khách lâu hơn, để khách sử dụng nhiều dịch vụ hơn là vấn đề Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì cùng các ngành chức năng và các đơn vị làm du lịch đang tìm cách tháo gỡ.
Đổi mới theo hướng thân thiện, bền vững
Trong kế hoạch phát triển, huyện Ba Vì đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ đón khoảng 2,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 200 tỷ đồng trở lên, tạo việc làm ổn định cho khoảng 3.500 lao động tại chỗ, thu hút hơn 10.000 lao động ở các địa phương lân cận đến kinh doanh trong mùa du lịch; xây dựng các khu trung tâm du lịch đồng bộ và phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; khai thác tiềm năng du lịch gắn với bảo vệ môi trường…
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì mục tiêu trên có thể đạt được về mặt lượng khách, doanh thu, nhưng không dễ hoàn thành việc xây dựng các khu trung tâm du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch. Bởi vì, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 09, quy hoạch tổng thể du lịch Ba Vì vẫn chưa được thực hiện. Khu sườn tây núi Ba Vì đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa có quy hoạch chi tiết. Khu hồ Suối Hai đã được Công ty cổ phần Dầu khí Tản Viên (Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam) tiến hành lập quy hoạch chung với mong muốn đưa hồ Suối Hai thành khu du lịch có tầm cỡ quốc tế hiện vẫn dang dở. Việc khai thác nguồn nước khoáng nóng ở Thuần Mỹ đang diễn ra tự phát…
Nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 09, hướng tới sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, từ nay đến năm 2015, Huyện ủy Ba Vì tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc huyện cải thiện môi trường, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch; đồng thời xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng thuộc huyện cần chủ động xây dựng các dự án, đầu tư kết nối hạ tầng trong các vùng du lịch theo hướng hiện đại, thuận tiện; hình thành các tuyến du lịch đa dạng để có thể khai thác tối đa những lợi thế hiện có; phát triển đa dạng các sản phẩm, loại hình du lịch theo hướng vừa hiện đại, đặc sắc, vừa phát huy giá trị văn hóa vùng núi Tản, sông Đà…
Để thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng nói trên, huyện Ba Vì hy vọng nhận được sự quan tâm toàn diện của các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp; đặc biệt là sự thay đổi về mặt nhận thức của những người trực tiếp làm du lịch cũng như mỗi người dân sinh sống trong vùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.