(HNM) - Là bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của Hà Nội, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cách mạng, kháng chiến giúp khai thác tối đa nguồn sử liệu sinh động, gần gũi trong truyền lửa cách mạng, niềm tự hào dân tộc qua các thế hệ.
Hướng dẫn du khách tìm hiểu di tích Nhà tù Hỏa Lò. |
Khơi dậy truyền thống, niềm tự hào dân tộc
Để chào mừng sự kiện 20 năm Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" (16/7/1999 - 16/7/2019), Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đang chuẩn bị khai mạc trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình” vào đầu tháng 7 tới. Phương án trưng bày các tổ hợp tư liệu, hiện vật liên quan đã được hoàn thiện. Các công việc chuẩn bị cho sự kiện cũng cơ bản hoàn thành.
Ông Nguyễn Anh Dũng (phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm) cho biết mình rất háo hức với nội dung trưng bày mới của di tích. Cách sắp đặt trực quan sinh động cùng việc lồng ghép khéo léo các thông điệp, trưng bày hứa hẹn mang đến cho người xem những dấu mốc quan trọng trên chặng đường tìm kiếm độc lập, hòa bình của dân tộc.
Còn Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để giới thiệu tới công chúng hai căn hầm 59 và 66, nơi Bộ Chính trị, chỉ huy Bộ Quốc phòng đề ra các chủ trương, quyết sách quan trọng, đập tan âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1973, mà đỉnh cao là thắng lợi trận “Điện Biên Phủ trên không” vào cuối năm 1972.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Trần Việt Anh, hầm 59 và 66 là chứng tích quan trọng trong tổ hợp các di tích cách mạng kháng chiến tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long…
Chính nhờ sự tích cực đổi mới hoạt động, trưng bày, quảng bá di sản, mỗi năm di tích Nhà tù Hỏa Lò thu hút khoảng 210.000 lượt khách đến tham quan. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long còn đón được nhiều hơn - tới 350.000 lượt khách mỗi năm. Nhiều di tích cách mạng cũng đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách như: Nhà 48 Hàng Ngang (Hoàn Kiếm); Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc (Hà Đông); Căn buồng nơi Bác làm việc năm 1947 tại chùa Một Mái (Quốc Oai)…
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông Phạm Đức Hòa cho biết, ngoài trưng bày thường xuyên, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc còn tổ chức các hoạt động trưng bày bổ sung, giao lưu nhân chứng lịch sử, khai thác những câu chuyện truyền thống cách mạng ở địa phương; tích cực kết nối với các điểm di tích khác trên địa bàn, hình thành tour, tuyến du lịch. Do vậy, mỗi năm, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc đón từ 4.000 đến 5.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu.
Chủ động, sáng tạo hơn nữa
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố hiện có gần 300 di tích, địa điểm cách mạng, kháng chiến được kiểm kê, gắn biển, trong đó có 2 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, 39 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia và 25 di tích xếp hạng cấp thành phố. Đây là nguồn sử liệu sinh động, quý giá, hỗ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống cũng như quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, một số di tích cách mạng, kháng chiến trên địa bàn Hà Nội chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi. Trong số đó, nhiều di tích còn trong tình trạng vắng khách và chỉ thực sự có hoạt động vào những dịp kỷ niệm quan trọng hay ngày lễ lớn của đất nước.
Cụ thể như các di tích: Nhà rượu Gia Lâm; Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vân Canh, Hoài Đức; Hầm chỉ huy K18, Thanh Xuân; Di tích Cách mạng kháng chiến Trung Giã, Sóc Sơn; địa đạo Nam Hồng, Đông Anh… chưa được nhiều người biết đến.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang, tài liệu, hiện vật trưng bày khuôn mẫu, tẻ nhạt là nguyên nhân chính khiến các di tích cách mạng, kháng chiến chưa thỏa mãn được nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân. Việc thiếu các thiết chế đi kèm, như: Nhà khách, bãi để xe, khu vệ sinh… cũng là những trở ngại hiện hữu ở nhiều địa chỉ.
Đề giải quyết những bất cập trên, ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích - Danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) cho rằng, cùng với việc tiếp tục thực hiện kiểm kê, phân loại di tích, ngành Văn hóa sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức sưu tầm, kêu gọi hiến tặng tư liệu, tài liệu, tổ chức các hoạt động trưng bày hấp dẫn, hiệu quả hơn. Đồng thời, sẽ mở thêm các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh, bảo vệ tại các điểm di tích...
Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Phạm Mai Hùng, thành phố Hà Nội cần có cơ chế ưu tiên đối với các hoạt động tại địa điểm, di tích cách mạng, kháng chiến, cho phép dành một phần diện tích phù hợp, không ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn, để tổ chức dịch vụ, thu hút khách du lịch. Có chiến lược truyền thông về di tích cách mạng, kháng chiến từ thành phố tới cơ sở, định hướng tuyên truyền tới các cấp, các ngành… nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Tổ chức các đợt tham quan, trao đổi kinh nghiệm phát huy giá trị di sản từ các địa chỉ có cách làmhiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.