Văn hóa

Phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiếnNgôi nhà lưu dấu bóng Người

Bài và ảnh: Mỹ An 02/09/2023 - 17:16

Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) là địa điểm gắn với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc 16 ngày đêm (từ ngày 3-12-1946 đến 19-12-1946). Tại đây, Người đã soạn thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

van-phuc.jpg
Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Vạn Phúc.

Nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Cầu Am (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), khuôn viên di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh yên tĩnh, thoáng mát với nhiều cây cối và các loài hoa đủ màu sắc. Qua cánh cổng vòm thấp có mái kiểu truyền thống, bước trên lối đi nhỏ lát gạch mộc giữa hai hàng hoa mẫu đơn, du khách bước vào một không gian yên bình, hoàn toàn tách biệt với những náo nhiệt bên ngoài. Chỉ còn tiếng chim khẽ hót sau vòm cây cùng mùi hoa lan, hoa mộc thoang thoảng, mát dịu, giúp du khách hòa mình vào dòng chảy thời gian và trở về quá khứ.

Vạn Phúc không chỉ nổi tiếng với nghề dệt, mà còn là một làng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Vào những năm 1938 - 1945, nơi đây là ATK của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ; hơn 70 đồng chí cán bộ cách mạng đã hoạt động tại đây, như Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ...

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2-9-1945), thực dân Pháp tìm mọi cách gây hấn, chống phá nhà nước non trẻ và nuôi dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Cuối tháng 11-1946, tình hình chiến sự trở nên căng thẳng, các đồng chí trong Trung ương đã quyết định đưa Bác ra ngoại thành. Đầu tiên, Bác về Vân Canh (Hoài Đức). Sau đó 1 tuần, Bác sang nghỉ tại ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc. Cụ Nguyễn Văn Dương là một nhà tư sản yêu nước, gia đình khá giả nhờ nghề dệt và buôn bán lụa. Nhà cụ thường xuyên có người đến mua bán hoặc người làm thuê ở lại nên việc nuôi giấu cán bộ cách mạng khá thuận lợi.

Theo tư liệu của Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội, ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Văn Dương được xây dựng từ năm 1935 đến năm 1942 và là ngôi nhà cao, đẹp, hiện đại nhất vùng khi đó. Khuôn viên bao gồm các công trình: Cổng vòm có mái che, sân, vườn, nhà 5 gian (nay là phòng trưng bày chuyên đề), nhà chính gồm 2 tầng, hai bên là hai dãy nhà ngang 3 gian. Các hạng mục công trình đều được bảo tồn, trùng tu theo nguyên trạng. Vì thế, khi bước vào không gian này, du khách có thể cảm nhận rõ và chân thực hơn câu chuyện về khoảng thời gian Bác từng ở và làm việc tại đây.

Chị Cao Thị Hồng, hướng dẫn viên tại điểm di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh kể: Đúng 18h45 phút ngày 3-12-1946, trời vừa tối, xe ô tô đưa Bác cùng đoàn công tác về làng Vạn Phúc. Tới nhà cụ Dương, sau khi chào hỏi gia đình, đồng chí Trần Đăng Ninh đưa Bác lên gác. Bác ở gian trong cùng. Căn phòng có diện tích 12m2, gồm 1 chiếc giường kê theo chiều ngang, 4 chiếc ghế gỗ để Bác tiếp khách, 1 giá treo quần áo, 1 chiếc bàn gỗ kê cạnh giường, bên trên đặt chiếc đèn dầu, giấy bút để Người làm việc. Cùng đi với Bác còn có 6 đồng chí khác làm công tác bảo vệ, hậu cần, liên lạc và thư ký.

Những ngày ở và làm việc tại đây, Người đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của Đảng và Chính phủ. Các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng và phụ trách các ngành thường xuyên đến trao đổi công việc, xin chỉ thị của Bác thường ngồi trên 3 chiếc ghế kê gần cửa sổ. Còn chiếc ghế để cạnh bàn làm việc của Bác là chỗ ngồi của đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác. Các số báo Cứu quốc, Sự thật được đều đặn chuyển đến để Bác đọc và cập nhật tình hình trong nước, quốc tế.

Điều đặc biệt là tại ngôi nhà này đã diễn ra sự kiện trọng đại của đất nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc. Ngày 19-12-1946, tại đây đã diễn ra Hội nghị thường vụ Trung ương Đảng mở rộng gồm 4 đồng chí: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyễn Giáp - Ủy viên Trung ương phụ trách Quốc phòng và đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Thường vụ để thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.

Sẩm tối ngày 19-12-1946, Bác cùng đoàn công tác rời làng Vạn Phúc về một số làng ở Hà Tây (cũ) trước khi lên căn cứ Việt Bắc tiếp tục cuộc kháng chiến. Trước khi đi, Bác mời cụ Dương tới gặp, cảm ơn gia đình đã giúp đỡ ăn ở, giữ bí mật và mong gia đình cùng nhân dân Vạn Phúc tiếp tục ủng hộ kháng chiến. Nhớ lời căn dặn của Bác, gia đình cụ Dương đã tích cực tham gia kháng chiến.

Sau này, gia đình cụ Dương cùng 40 gia đình khác của làng Vạn Phúc đã được Nhà nước tặng bằng “Có công với nước” để ghi nhớ công lao của các gia đình trong kháng chiến. Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch được công nhận là Bảo vật Quốc gia (từ ngày 1-10-2012). Còn di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Vạn Phúc được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1975.

Ngày nay, di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Vạn Phúc đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và là nơi sinh hoạt chính trị của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Thủ đô. Để lại dòng ghi cảm tưởng đầy xúc động sau khi tham quan, sinh hoạt chính trị tại di tích, Bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh tế quốc dân Vũ Trí Tuấn viết: “Hôm nay, chúng cháu được đến với một không gian ý nghĩa và linh thiêng để có thể hiểu hơn về một khoảng thời gian trong dòng chảy lịch sử cũng như tìm hiểu cuộc đời vĩ đại của Người. Chúng cháu nguyện học tập, phấn đấu để xứng đáng với những lời căn dặn và ý nguyện của Bác, đưa đất nước ngày càng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu...”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến Ngôi nhà lưu dấu bóng Người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.