Văn hóa

Phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến:Để mỗi di tích là một câu chuyện kể

Bài và ảnh: Linh Tâm 02/09/2023 - 17:07

Hà Nội là vùng đất có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, phong phú dẫn đầu cả nước. Trong số hơn 5.900 di tích đã được kiểm kê và nhận diện, hệ thống di tích cách mạng kháng chiến (CMKC) trên địa bàn chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa, vai trò rất lớn đối với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước và Thủ đô Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ XX.

Thực tế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích CMKC trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cho thấy, đã đến lúc cần có sự đổi mới về tư duy và cách làm để hệ thống di tích đặc biệt này trở thành những “địa chỉ đỏ” thu hút du khách và mang lại nguồn thu lớn hơn.

di-tich-1.jpg
Thế hệ trẻ trong buổi sinh hoạt giáo dục truyền thống tại Di tích 90 Thợ Nhuộm. Ảnh: Hồng Minh

Hiện trạng mong manh

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân, phong kiến, Hà Nội là nơi đặt những “viên gạch nền” cho các phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) và thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945). Những sự kiện ấy đều ghi dấu trên các di tích CMKC nổi tiếng như Quảng trường Nhà hát Lớn, Quảng trường Ba Đình, Bắc Bộ Phủ, nhà số 5D Hàm Long, nhà số 90 phố Thợ Nhuộm, nhà số 48 Hàng Ngang...

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 380 di tích CMKC, trong đó có 46 di tích được xếp hạng (26 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 20 di tích xếp hạng cấp thành phố). Bên cạnh đó là 355 địa điểm được gắn bia lưu niệm sự kiện CMKC. Về số lượng, hệ thống di tích CMKC chiếm 6,4% trong tổng số di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội. Đáng nói, khá nhiều di tích CMKC trong tình trạng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều di tích bị xuống cấp nặng nề trong làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ, như trường hợp nhà số 8 Lê Thái Tổ, địa đạo Nam Hồng, pháo đài Xuân Tảo, nhà số 4 Hàng Rươi, nhà số 75 Hàng Nón... Thậm chí, Hà Nội hiện có 37 địa điểm đã có Quyết định của UBND thành phố (từ năm 2007 đến 2021) nhưng vẫn chưa được thực hiện do chưa có mặt bằng thi công hoặc đang trong thời gian chờ kế hoạch bố trí kinh phí triển khai.

di-tich-2.jpg
Thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử ngôi nhà 5D Hàm Long.

Theo Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, một phần nguyên nhân khiến các di tích CMKC chậm được tu bổ, tôn tạo hoặc gắn bia là do nguồn vốn tu bổ được huy động từ nhiều nguồn và theo sự phân cấp quản lý nhà nước, trong đó có nguồn kinh phí bố trí theo cân đối tài chính ngân sách, nguồn vốn chống xuống cấp của UBND thành phố, nguồn thu để lại (40%) của Ban Quản lý Di tích - Danh thắng... Tuy vậy, nguồn kinh phí này không ổn định, do đó từ năm 2020 đến nay, việc lập hồ sơ và gắn, dựng biển lưu niệm sự kiện cho các điểm di tích CMKC ở nhiều nơi được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa do các quận, huyện tự huy động.

Một nguyên nhân khác được PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH) chỉ ra, đó là tâm lý “ngại thay đổi” về tư duy của những người quản lý di tích cũng như chậm làm mới cách trưng bày, cách kể chuyện nhằm tạo ra những điểm nhấn để thu hút khách. Còn theo bà Huỳnh Thị Hà, Giám đốc chuyên môn Công ty Cổ phần Đầu tư Econnect Quảng Ninh, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty du lịch chuyên về các tour giáo dục truyền thống cho học sinh gặp không ít khó khăn trong việc đưa khách đến các di tích CMKC. Bà Huỳnh Thị Hà nêu: Vì muốn các em học sinh được tìm hiểu về di tích CMKC, nhất là các di tích ít người biết đến như pháo đài Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), Khu di tích lịch sử Trung Giã (Sóc Sơn), có lần công ty của bà đã không thể liên hệ nổi với người trông coi di tích để mở cửa cho học sinh vào tham quan. Cùng với đó, hệ thống thông tin, tư liệu, hình ảnh, hiện vật và thuyết minh viên ở các di tích này cũng rất hạn chế. Đó là lý do vì sao các công ty lữ hành, du lịch rất “ngại” đưa khách đến những nơi này.

Xây dựng tour trải nghiệm hấp dẫn

Là người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn di tích, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, ngoài việc chỉnh trang, cải tạo cảnh quan, môi trường và chống lấn chiếm di tích, Hà Nội cần đầu tư cho công tác sưu tầm, tư liệu hóa các cứ liệu lịch sử, đặc biệt là thông qua các nhân chứng sống để ghi lại những câu chuyện chân thực, sinh động liên quan tới di tích, từ đó làm cho các bài thuyết minh trở nên sinh động, đủ sức hấp dẫn du khách. Việc sưu tầm tài liệu này cũng là phần quan trọng trong quá trình số hóa, đưa nội dung của di tích vào các app (ứng dụng) thuyết minh, trải nghiệm tại di tích để du khách dễ dàng tìm hiểu. Cùng với đó, ngành Văn hóa và ngành Du lịch cần “bắt tay” nhau trong công tác truyền thông quảng bá, đa dạng hóa các hình thức hoạt động và xây dựng thành tour trải nghiệm hấp dẫn như ở Hoàng thành Thăng Long hay Nhà tù Hỏa Lò. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp lữ hành tin tưởng đưa khách đến.

di-tich-3.jpg
Thành công của chương trình "Đêm thiêng liêng" tại Nhà tù Hỏa lò là hình mẫu về việc xây dựng sản phẩm thu hút khách đến các di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội.

Đánh giá cao về tiềm năng, ý nghĩa và tầm quan trọng của hệ thống di tích CMKC của Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, đấy là những di tích CMKC quan trọng nhất của đất nước. Tuy nhiên, các di tích do Hà Nội quản lý thường chỉ đông khách đến học tập, sinh hoạt giáo dục truyền thống mà rất ít khách du lịch đi theo tour. Những di tích ở xa trung tâm thành phố thường rơi vào cảnh “đắp chiếu” nên không phát huy được giá trị và di tích càng nhanh chóng bị xuống cấp.

Để di tích có thể phát huy được đúng giá trị của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, điều đầu tiên là cần thay đổi tư duy, nhận thức của các nhà quản lý trong việc phát huy giá trị di sản. “Các cơ quan quản lý di tích của Hà Nội không nên để di tích bị sử dụng không đúng chức năng, nhiệm vụ, như có thể thấy ở 90 Thợ Nhuộm. Theo Luật Di sản văn hóa, không gian di tích cần phải được bảo vệ, không được xâm phạm, lấn chiếm. Trong khi đó, di tích này hiện chỉ có hoạt động trưng bày tại tầng hầm về thời gian Tổng Bí thư Trần Phú ở và khởi thảo bản Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng. Các tầng còn lại của di tích hiện được sử dụng vào mục đích khác. Nếu cứ giữ cách làm như thế thì rất khó khai thác và phát huy giá trị của tòa nhà này, trong khi đây được đánh giá là công trình “hốt bạc” nhờ vị trí đắc địa, có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc ấn tượng. Nếu biết cách trưng bày theo lối kể chuyện hoặc đưa vào nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn tương tự như Hỏa Lò, nơi đây và nhiều di tích tương tự có thể mang lại nguồn thu lớn cho thành phố” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy thẳng thắn chia sẻ.

Tương tự như vậy, Hà Nội có thể “xin” lại di tích Bắc Bộ Phủ để làm thành một di tích - bảo tàng bởi đây là nơi đã diễn ra những sự kiện quan trọng nhất của Thủ đô và cả nước trong giai đoạn 1945 - 1946. Có rất nhiều câu chuyện có thể kể ở đây. Công trình hiện vẫn được bảo tồn gần như nguyên trạng về kiến trúc, cảnh quan và nội thất, nhưng lại không được phát huy đúng với giá trị. Trong khi lẽ ra nơi đây hoàn toàn có thể trở thành một di tích - bảo tàng gắn với nhiều hoạt động, hình thức trải nghiệm, gắn kết với Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận để thu hút khách. Thiết nghĩ, đó là niềm mong mỏi chính đáng của các nhà nghiên cứu và người dân Thủ đô, để các di tích CMKC mãi là những “địa chỉ đỏ” “sống” và hòa mình cùng dòng chảy thời đại.

Theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội "Về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố", Hà Nội đầu tư tổng kinh phí 14.029 tỷ đồng cho 579 di tích cần tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Nhà lưu niệm số 48 Hàng Ngang, Di tích 5D Hàm Long, Pháo đài Láng, Di tích Nhà bà Hai Vẽ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), Di tích Nhà cụ Nguyễn Thị An (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín), Khu di tích Địa đạo Nam Hồng (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh), Di tích CMKC Trung Giã (xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn), Di tích cách mạng Tân Yên (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn), Di tích cách mạng Xuân Kỳ (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến: Để mỗi di tích là một câu chuyện kể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.