(HNM) - “Cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng phải thật tâm huyết, trách nhiệm, say mê công việc, đặc biệt phải có bản lĩnh, dũng khí, biết bảo vệ cái đúng và phê phán cái sai, kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, lãng phí. Các cán bộ, công chức phải giữ mình liêm chính…”.
Đó là lời nhắc nhở của đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2016 và quán triệt, triển khai Kết luận số 10-KL/TƯ của Bộ Chính trị diễn ra hôm qua (23-2).
Phòng ngừa tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ chính, cơ bản, lâu dài; nhưng phát hiện, xử lý là việc quan trọng, cấp bách. Trong đó, ngành Nội chính Đảng giữ vai trò quan trọng trong công tác này. Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng. Và trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Nội chính Đảng tập trung thực hiện trong năm 2017 thì trọng tâm hàng đầu là tham mưu kịp thời các chủ trương, chính sách để chỉ đạo có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tham nhũng.
Thực tế, lâu nay chống tham nhũng vẫn là vấn đề gây bức xúc trong dư luận và được nhân dân đặc biệt quan tâm. Tham nhũng không chỉ làm thất thoát tài sản của Nhà nước, nhân dân mà ở một khía cạnh khác nó còn làm tha hóa đội ngũ cán bộ, từ đó dẫn đến suy yếu bộ máy chính quyền.
Thời gian qua, câu chuyện nhiều cán bộ lãnh đạo có khối tài sản “kếch xù” gắn với những sai phạm, thất thoát tài sản của cơ quan, đơn vị nơi mình làm lãnh đạo - đặt ra sự hoài nghi về tính liêm chính của những người được coi là công bộc của dân. Có những sự việc đã được đích thân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cấp kiểm tra, làm rõ nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào sự quyết tâm của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi việc”; “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trong Kết luận số 10-KL/TƯ ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng nhấn mạnh phải gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Ngành Nội chính Đảng với vai trò “chủ công” trong tham mưu phải kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; có cơ chế răn đe, trừng trị để không ai dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.
Muốn vậy, toàn ngành nói chung, từng cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng nói riêng phải luôn giữ được sự khách quan, làm việc có nguyên tắc, thận trọng trong nghiên cứu, thẩm định nhân sự, tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ, góp phần tích cực vào việc lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức. Bảo đảm nguyên tắc không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, cũng không làm thay hoạt động chuyên môn của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực công tác nội chính và phòng chống tham nhũng.
Đây chính là nền tảng cho việc nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp các quy định pháp luật để không còn kẽ hở cho những kẻ cơ hội, lợi dụng, “lách luật” để trục lợi, tham nhũng. Một cơ chế đủ mạnh để "nhốt" quyền lực vào "cái lồng" luật pháp sẽ thúc đẩy việc giữ mình liêm chính của mỗi người. Đó cũng là cách phòng chống tham nhũng thêm hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.