Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải giải quyết từ gốc!

Thế Đan| 17/08/2022 06:41

(HNM) - Thời gian qua, tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó nhiều nhân sự có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao... đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Thực tế này đòi hỏi phải sớm có các giải pháp khắc phục.

Theo thống kê mới nhất của thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1-1-2020 đến ngày 30-6-2022, địa phương này có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng, phần nào cho thấy thực trạng này. Trong đó, lĩnh vực giáo dục chiếm tỷ lệ cao nhất với 2.436 người, lĩnh vực y tế với 2.145 người... Người lao động nghỉ việc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc sắp xếp, bố trí nhân sự và tính ổn định trong quy trình làm việc của các cơ quan, đơn vị.

Nguyên nhân chính dẫn đến công chức, viên chức thôi việc chủ yếu là do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ thấp; cơ hội thăng tiến không nhiều trong khi áp lực công việc ngày một lớn. Thực trạng này như nhiều người vẫn gọi là “thiếu rừng thì hổ sẽ đi”, đặc biệt là với công chức, viên chức trẻ, khi họ thiếu động lực để phát huy khả năng.

Ở góc độ nào đó, trong một thị trường lao động rất mở và nhiều cơ hội phát triển hết khả năng hiện nay, công chức, viên chức hoàn toàn được quyền chọn nơi làm việc, được trả công xứng đáng so với sức lao động bỏ ra. Nhưng dưới góc độ quản lý thì thực trạng này cần phải được thay đổi.

Để hạn chế tình trạng này, trước hết nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, bất cập, kẽ hở, “lỗ hổng”, nhất là nhiều cách hiểu khác nhau trong cùng một vấn đề... nhằm hạn chế rủi ro, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ được giao. Cùng với đó, sớm thể chế hóa quy định của Đảng về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; hoàn thiện cơ chế về đấu thầu mua sắm tài sản công, đấu thầu xây lắp công trình, hạ tầng giao thông... Điều này tạo sự yên tâm cho công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tránh tình trạng cán bộ sợ sai mà “không dám nghĩ, không dám làm” như những gì đang xảy ra gần đây.

Tiếp đến là khẩn trương có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức để họ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác như: Tăng lương, có đãi ngộ thỏa đáng đối với công chức, viên chức nhất là những người đảm nhận công việc nặng nhọc, tiếp xúc giải quyết số lượng công việc lớn cho công dân, tổ chức. Cùng với đó là không nên khống chế, phân bổ biên chế công chức, viên chức theo đơn vị hành chính một cách cứng nhắc mà cần phải linh hoạt và giao quyền tự chủ cho người đứng đầu trong vấn đề này.

Cụ thể là được quyền tăng cường, điều chuyển công chức, viên chức cho các vị trí, công việc thường xuyên tiếp xúc, trực tiếp giải quyết công việc hằng ngày, cần kíp cho công dân, tổ chức. Điều này sẽ không làm tăng biên chế nhưng khối lượng công việc sẽ được san sẻ, giảm tải nhiều cho các vị trí, lĩnh vực đang chịu nhiều áp lực về khối lượng công việc như: Tư pháp - hộ tịch, đất đai - xây dựng...

Ngoài ra, cần nghiên cứu đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới, cho công chức, viên chức trong thực thi công vụ để giảm tải khâu trung gian hoặc không thật sự cần thiết. Cùng với đó là có cơ chế đánh giá công chức, viên chức gắn với quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ phải thực sự dựa trên năng lực thay vì tình trạng “dĩ hòa vi quý” đang xảy ra ở nhiều nơi.

Giải quyết được những gốc rễ nêu trên thì mục tiêu xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại; các lĩnh vực công do Nhà nước chủ trì mới khắc phục được những lạc hậu; từ đó, đáp ứng hiệu quả hơn yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải giải quyết từ gốc!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.