Theo thông tin từ Hội nghị lần thứ ba, Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (diễn ra ngày 9-5 vừa qua), năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế, gấp 1,24 lần so với bình quân chung cả nước.
Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt hơn 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 30,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đứng thứ 2/6 vùng kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước. Thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 720 nghìn tỷ đồng, đứng đầu cả nước. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỷ USD...
Những con số ấn tượng trên có được từ sự chủ động, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng trong việc quán triệt, triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ (ngày 23-11-2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14/NQ-CP (ngày 8-2-2023) của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị... Nhưng trên hết, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại hội nghị, đó là “tư duy mới, cách làm mới, niềm tin mới, tầm nhìn mới, tạo ra giá trị mới” đã khơi thông những điểm nghẽn, nút thắt, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng.
Từ thực tế có thể thấy, thời gian qua, tư duy mới, tầm nhìn mới là nguồn động lực có sức mạnh kỳ diệu trong việc nâng cao năng lực và quyết tâm vươn lên của mỗi cá nhân, tổ chức và xã hội. Kể từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đến nay, với tư duy đổi mới, Đảng ta đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách mới cởi trói, tháo gỡ khó khăn, chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kết quả, sau gần 40 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; GDP bình quân đầu người tăng 58 lần so với thời kỳ đầu đổi mới, đạt 4.300 USD năm 2023; thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu...
Tư duy mới là cách tiếp cận vấn đề mới, khác biệt so với phương pháp truyền thống. Nó đề cao sự sáng tạo, linh hoạt và khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, giúp chúng ta thoát khỏi sự hạn chế của tư duy, cách làm thông thường, mở ra những cách tiếp cận mới, độc đáo và đột phá... Hiện trên thế giới, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn theo hướng ngày càng phức tạp, gay gắt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động sâu rộng, đa chiều đến kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, dù đạt được nhiều thành tựu, song nền kinh tế nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu. Vì vậy, nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới tư duy, có cách làm mới, tạo ra giá trị mới để vượt lên thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu xa hơn.
Tư duy mới, cách làm mới gắn liền với sự vận động và phát triển của thực tiễn sẽ tạo ra những đột phá, giá trị mới. Với tầm nhìn khoa học, phù hợp thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giải thích rõ, với nước ta, tư duy mới là tư duy tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Tư duy mới là phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tư duy mới là biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Giá trị mới là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp cho GDP cao hơn. Thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người phải cao hơn, ngang tầm khu vực, các nước phát triển. Hạ tầng kết nối vùng, cả nước, khu vực cũng như quốc tế phải tốt nhất. Giá trị mới nữa là chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững, bao trùm, tiêu biểu cả nước...
Nhìn rộng ra có thể thấy, theo người đứng đầu Chính phủ, tư duy, tầm nhìn mới đều phải dựa trên mục tiêu vì lợi ích của nhân dân. Với bổn phận và trách nhiệm của mình, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát thực tiễn, quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, hình thành tư duy mới, tầm nhìn xa, tận dụng các cơ hội, khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
Tư duy của con người là nguồn vốn vô tận, là sức mạnh to lớn để sáng tạo và tiến lên. Đổi mới tư duy, tầm nhìn sẽ tạo ra những giá trị mới để xây dựng nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.