Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ông “vua” lan không ngai và “bảo tàng” lan Hà Nội

Hoàng Lê| 17/12/2012 10:08

Trần Tuấn Anh có trong tay 2 vườn lan tại Hà Nội và ở Bắc Ninh cùng vốn hiểu biết sâu sắc với lan. Người trong hội hoa lan Việt Nam vẫn gọi anh là “vua” Lan đất Hà thành.


Đúng như cái tên gọi mà người trong hội vẫn phong cho anh, "lãng tử lan", Trần Tuấn Anh tiếp khách đến nhà bằng văn hóa lan thú vị. Trong ngôi nhà gỗ dựng tạm ở giữa vườn lan rộng mấy trăm mét vuông, chúng tôi hay bất cứ vị khách nào đến đây đều được chủ nhân mời nhâm nhi tách trà thiết quan âm ấm nóng, chiếc kẹo lạc Nam Định, “lặng” nghe chim hót và vừa ngắm những cây lan đủ chủng loại, màu sắc.


Trần Tuấn Anh và chuyến tìm lan trên rừng núi Tây Bắc. Ảnh: Hoàng Lê


Trong tiết trời mưa phùn mùa đông anh kể cho tôi nghe câu chuyện không giấy giá thú của mình và “người tình” bằng bài thơ “vô đề”: “Đất, trời, tạo hóa, em/ Thế giới, lan quyến rũ/ Anh, như người mang nợ/ Muôn kiếp đời cứ mơ”.

Ông “vua lan” không nhà

Cuộc đời anh gặp nhiều đắng cay, vất vả từ khi còn bé nhưng tới gặp “nàng lan” cuộc đời người đàn ông có khuôn mặt gầy vì sương gió đường rừng ấy đã bước sang một trang khác.

Cây lan đầu tiên của anh chính là cây lan kiếm. Sau này khi đi bộ đội ở vùng biên giới, anh như mê mẩn với những rừng lan nở hoa đủ màu sắc. Nghe nói có một rừng lan rất đẹp, một đêm anh đã trốn đơn vị vượt rừng gần 10 km lấy về.

Sau khi ra quân, Tuấn Anh về làm kĩ thuật tại công ty cao su Sao Vàng, trong thời gian đó bao nhiêu tiền lương anh đều “dốc” hết vào lan. Ở đâu nghe nói có lan đẹp anh đều đến nơi tìm hiểu và mua cho bằng được. Vài năm sau đó, Tuấn Anh xin về “vườn” chuyên tâm để có thể yêu lan và sống nhờ lan.

Yêu lan như cái nghiệp, mà đã là nghiệp thì ai cũng phải hiểu rõ về nó, chính cái khó ấy đã thôi thúc anh đi khắp các vùng rừng núi ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước Đông Nam Á, Bắc Á... để tầm lan, tìm hiểu về lan.

Những ngày đầu chơi lan, không có ai chỉ dẫn, tự Tuấn Anh tự mua sách về tìm hiểu, anh đã mất nhiều tiền để đi và để tậu những cây lan tưởng như quý hiếm nhưng hóa ra rất đỗi bình thường. Nhưng theo anh “đó là tiền học phí mà bất cứ ai muốn thành người chuyên nghiệp cũng phải tìm hiểu”.

Năm 1998 công ty Lan Trantuan.co được thành lập, ban đầu chỉ với mấy trăm giò lan anh tậu được trong suốt mười mấy năm trước đó, giờ đây trở thành một ông “vua” lan với gia tài lan khổng lồ hiếm ai có được.

Hiện tại ở Hà Nội anh sở hữu 2 vườn lan rộng 4000 nghìn mét vuông ở Mỹ Đình và 1 vườn ở Bắc Ninh. Đặc biệt là vườn lan ở Mỹ Đình - Hà Nội có hơn 300 loài lan trong số 700 loài lan Việt Nam với nhiều loài quí như lan Đai Châu, lan Hài, Địa lan… có giá từ hàng trăm tới nghìn đô, đã trở thành địa điểm tham quan và nghiên cứu của những nhà nghiên cứu về thực vật và những người yêu lan.

Gia sản nhiều vậy nhưng tới tận bây giờ một cái nhà bé tý anh vẫn chưa mua được, “bởi bao nhiêu tiền tôi đổ vào lan hết”. Hiện tại anh cùng vợ và cậu con trai nhỏ đang ở trong một ngôi nhà gỗ tự dựng rộng 15m2 trong vườn lan ở Sudico - Mỹ Đình.

Ước mơ xây dựng “Bảo tàng” lan Hà Nội

Trần Tuấn Anh và các giáo sư nghiên cứu lan Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Lê



Không chỉ là một “hiệp sĩ tầm lan”, Trần Tuấn Anh còn là một cuốn từ điển về lan mà rất nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu về thực vật trong và nước ngoài đều đến tìm anh. Nhưng để trở thành “giáo sư lan”, đọc vanh vách về những loại lan với từng đặc tính, dấu hiệu nhận biết thì đó cả là một quá trình lao động vất vả để tìm tòi nghiên cứu, rồi trèo đèo lội suối để tầm lan. Nhìn vào trong cái “tổ chim” cúc cu của anh chỉ toàn sách, hầu hết những tài liệu về lan trên thế giới. Tất cả đều được anh cố công mua về tìm hiểu dù giá thành có là vài trăm đô.

Để sưu tầm được những giống lan quý hiếm dù đang làm gì, bận đến mấy mà cứ nghe ở đâu có giống lan đẹp, lạ Tuấn Anh lại một mình cùng con xe máy từng gắn bó với anh nhiều năm trời mà vi vu không kể nắng mưa. Với anh việc đi về từ Hà Nội lên Tây Bắc dăm lần trong một tháng là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Nhưng nhờ có những chuyến đi ấy đã giúp anh phát hiện ra nhiều giống lan quí, hiếm. Năm 2003, các nhà khoa học trên thế giới đã lấy tên anh đặt cho tên loài hoa lan Trantuan do anh phát hiện ra năm 2001. Tiếp theo đó, anh lại phát hiện thêm 3 loại lan khác về sau, là: “Denbrobium trantuanii, Vandatuananhii, Paphiopedilum trantuanii và Denbrobium vietnamica”.

Với sự chuyên tâm miệt mài có lẽ Trần Tuấn Anh là một trong những người chơi và nghiên cứu lan nổi tiếng ở nước ta mà ở trên thế giới biết đến. Anh cũng đã được một tạp chí nghiên cứu lan ở Đức “Die Orchidee” giới thiệu năm 2004 nhờ những đóng góp cho giới nghiên cứu lan Việt Nam và trên thế giới.

Hiện nay anh đang là Phó Chủ tịch hội lan TP Hà Nội, điều hành website về hoa lan và tham gia viết sách và đi giảng dạy về thực vật học ở một số trường đại học, trung tâm bảo tồn, nghiên cứu trong và ngoài nước.

Nhưng cũng nhờ có lan đã giúp cho Tuấn Anh tìm thấy người bạn đời yêu anh và cũng yêu lan. Tiền lãi thu về từ lan, anh dành cho những chuyến đi ra nước ngoài tìm lan, đầu tư cho thú chim cảnh, chó cảnh… và những thú vui thưởng trà, ngắm lan và kèm theo một món quà cho những người khách nào đến chơi vườn lan Trần Tuấn.

Hiện tại, vườn lan Trần Tuấn ở Mỹ Đình và cửa hàng lan ở phố hoa Hoàng Hoa Thám của gia đình anh nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người “sành” lan ở Hà Nội.

“Vua” lan Hà Thành cho biết, anh đang bắt tay xây dựng một vườn lan ở Nội Bài - Hà Nội rộng hơn 1ha. Trong tương lai, Tuấn Anh muốn xây dựng một bảo tàng về lan tư nhân ở Việt Nam. Đó sẽ là địa chỉ để có thêm nhiều người Việt Nam yêu lan, quí lan trong và ngoài nước tìm đến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ông “vua” lan không ngai và “bảo tàng” lan Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.