Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ổn định và phát triển hệ thống ngân hàng

Đức Anh| 28/01/2016 06:55

(HNM) - Thoát khỏi ám ảnh nợ xấu hay nguy cơ đổ vỡ, trải qua 4 năm tái cơ cấu (2011-2015), hình ảnh về các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu, không có khả năng thanh khoản đã qua đi. Thay vào đó là những ngân hàng (NH) có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.


Thành công của quá trình tái cơ cấu

Giai đoạn 2006-2010, nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực NH. Thời điểm đó, năng lực quản trị của các TCTD còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro trong hoạt động; cạnh tranh giữa các TCTD thiếu lành mạnh, phương thức cạnh tranh chủ yếu là lãi suất, chưa coi trọng chất lượng dịch vụ.

Một bộ phận không nhỏ NH có nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống khi chất lượng tài sản thấp, nợ xấu tăng, tăng trưởng tín dụng quá nhanh, cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn không ổn định… Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới (năm 2008) kéo theo sự suy thoái của các quốc gia khác. Những yếu kém nội tại hệ thống NH - tài chính đã dần bộc lộ.

Những lo ngại về nguy cơ mất khả năng thanh khoản, gây đổ vỡ toàn bộ hệ thống dẫn đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam buộc phải tiến hành tái cơ cấu NH. Sau nhiều năm thanh lọc, sáp nhập những NH yếu vào NH mạnh, mua lại một số NH với giá 0 đồng..., đến nay hệ thống NH đã ổn định. Sự thành công của tái cơ cấu hệ thống giải quyết kịp thời tình trạng thiếu tính thanh khoản của nhiều TCTD. Trong năm 2011 và 2012, NHNN đã xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống là giải quyết vấn đề thanh khoản.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát hai con số, vấn đề thanh khoản của hệ thống NH "nội" đã trở nên nghiêm trọng khi lãi suất liên NH có lúc đã lên đến 30%/năm, đẩy lãi suất huy động lên đến 18-20%/năm, vượt xa mức trần của NHNN. Việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hỗ trợ thanh khoản để bảo đảm khả năng chi trả của các TCTD như cho vay tái cấp vốn, hỗ trợ các TCTD mất thanh khoản tạm thời… đã giúp cải thiện tình hình thanh khoản của hệ thống NH, khai thông ách tắc của thị trường liên NH, nhưng không gây sức ép lạm phát do những biện pháp hút tiền về đúng kỳ hạn của NHNN. Nhờ vậy, tính thanh khoản của các TCTD đã được cải thiện, tiền gửi của dân cư tăng, dòng vốn của nền kinh tế từng bước được khơi thông.

Tăng trưởng tín dụng vững chắc

Cùng với giải quyết thanh khoản của hệ thống, việc tiến hành khoanh vùng, đánh giá phân loại "sức khỏe" của các TCTD theo từng nhóm cũng được thực hiện. Các TCTD yếu kém đã được cơ cấu lại dưới sự chỉ đạo và giám sát chặt chẽ của NHNN, bảo đảm hoạt động của nhóm các TCTD yếu kém luôn trong tầm kiểm soát, không gây ảnh hưởng lớn đến tính an toàn và ổn định của hệ thống. Các tổ chức có quy mô lớn hơn và có tình hình tài chính tốt đã tham gia việc tái cấu trúc các TCTD nhỏ hơn.

Đến nay, các NH yếu kém được cơ cấu lại, về cơ bản, đều hoạt động ổn định. Tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện, huy động vốn từ dân cư tăng, nợ xấu được xử lý và thu hồi, các vi phạm về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục. Việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD trên cơ sở tự nguyện giữa các TCTD được khuyến khích, thúc đẩy, nhờ đó đã giảm 19 TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, kiểm soát và từng bước xử lý các TCTD yếu kém, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống, không để đổ vỡ, khủng hoảng NH; tài sản của nhà nước, nhân dân được bảo đảm. Các NH, sau tái cơ cấu, đã hoạt động ổn định, một số có sự phát triển.

Khuôn khổ pháp luật về tiền tệ và hoạt động NH, đặc biệt là các chuẩn mực an toàn đã được ban hành, triển khai phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở cho các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối NH được xử lý và kiểm soát về cơ bản. Sau hơn 4 năm triển khai tái cơ cấu, gần 463 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý (bằng khoảng 99,6% số nợ xấu tại thời điểm tháng 9-2012).

Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đã phát huy rõ vai trò là công cụ quan trọng xử lý nợ xấu, cải thiện thanh khoản cho các TCTD, giúp khơi thông dòng vốn tín dụng NH. Chênh lệch nợ xấu giữa các TCTD báo cáo và số liệu giám sát của NHNN được thu hẹp, tiến tới trùng khớp từ tháng 3-2015. Đến cuối năm 2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần quan trọng khơi thông nguồn vốn, cải thiện tăng trưởng tín dụng và kinh tế một cách vững chắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ổn định và phát triển hệ thống ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.