(HNM) - Một cuộc gặp chưa từng có giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với gần 50 nguyên thủ quốc gia Châu Phi đang diễn ra tại thủ đô Washington (từ ngày 4 đến 6-8).
Cuộc gặp này được đánh giá là mang tính lịch sử bởi đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo hàng đầu Lục địa đen tề tựu tại xứ Cờ hoa tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Châu Phi lần thứ nhất. Phát biểu trong phiên khai mạc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định sự kiện chưa từng có này phản ánh quyết tâm của Mỹ và Châu Phi cùng nỗ lực tăng cường các quan hệ đối tác, tìm kiếm các cơ hội cho buôn bán, hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Châu Phi lần thứ nhất tại Washington, Mỹ, ngày 4-8. |
Là một lục địa rộng lớn và giàu tài nguyên, Châu Phi đã và đang là điểm đến hấp dẫn, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư toàn cầu. Báo cáo về Triển vọng kinh tế Châu Phi được Hội nghị Thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (CNUCED) công bố hồi tháng 5 vừa qua cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Châu Phi có thể đạt đến con số kỷ lục là 80 tỷ USD trong năm 2014, tăng trưởng trung bình có thể đạt 4,8% vào năm 2014 và tăng đến 5,7% vào năm 2015. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Châu Phi có tốc độ phát triển nhanh hơn Châu Á. Hiện tại, châu lục này có 6 trong số 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Châu Phi ngày càng cho thấy đây không còn là vùng đất của chiến tranh và xung đột mà có rất nhiều cơ hội làm ăn kinh tế. Do vậy, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Châu Phi lần này là cơ hội quan trọng để Washington đuổi kịp các đối tác Trung Quốc và Châu Âu trong việc tiếp cận Lục địa đen giàu tiềm năng. Thời gian vừa qua, Trung Quốc có rất nhiều động thái để "đi trước một bước" so với các cường quốc khác trong việc mở rộng ảnh hưởng tại các khu vực ít được sự chú ý như Mỹ Latinh hay Châu Phi. Với Mỹ, kể từ năm 2009 đến nay, Washington chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Phi, sau Châu Âu và Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều song phương liên tục giảm sút và chỉ đạt khoảng 60 tỷ USD trong năm ngoái. Trong khi đó, thương mại giữa Châu Phi với Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc lần lượt đạt 200 tỷ USD và 170 tỷ USD. Thực tế, ngay từ khi trở thành ông chủ Nhà trắng, Tổng thống Mỹ B.Obama được các nhà lãnh đạo Châu Phi đặt nhiều kỳ vọng. Thế nhưng trong những năm qua, thay vì một bước tiến dài như mong đợi, nhiều người lại nghi ngờ quyết tâm hợp tác với Châu Phi của người đứng đầu nước Mỹ. Thậm chí, cựu Tổng thống George Bush đã "đầu tư" 15 tỷ USD giúp Châu Phi vượt qua căn bệnh thế kỷ AIDS. Thế nhưng, ông B.Obama lại đang thiếu một chương trình có tầm vóc để xem là di sản hay là thành tích của ông tại châu lục này. Vì thế, hội nghị đang diễn ra được coi là sự chú trọng mạnh mẽ hơn tới Lục địa đen của Tổng thống B.Obama trong nhiệm kỳ hai. Bên cạnh một chương trình nghị sự dày đặc về các vấn đề nổi cộm tại Châu Phi như các vụ bắt cóc, giết người của tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram tại Nigeria, nội chiến tại Nam Sudan, bùng phát dịch bệnh Ebola tại Tây Phi… thì hợp tác kinh tế tập trung vào các cơ hội cho Châu Phi - nơi 60% dân số dưới 35 tuổi và có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn mọi khu vực khác trên thế giới - là trọng tâm quan trọng của hội nghị. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ thông báo khoản đầu tư gần 1 tỷ USD cho các thỏa thuận về kinh doanh, tài trợ thêm cho lực lượng duy trì hòa bình, các chương trình lương thực, thực phẩm và điện lực ở Lục địa đen. Ngoài ra, Washington cũng sẽ công bố một loạt sáng kiến mới, trong đó mở rộng cơ sở hạ tầng giao dịch biên giới, tăng gấp đôi các chương trình học bổng mà Tổng thống da màu B.Obama dành cho các nhà lãnh đạo trẻ Châu Phi. Chính quyền Tổng thống B.Obama cũng đang hối thúc Quốc hội nước này gia hạn Luật Cơ hội và tăng trưởng Châu Phi (AGOA) trước thời điểm hết hạn vào tháng 9-2015, nhằm tạo điều kiện cho chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại với châu lục này.
Điều dễ nhận thấy là, bằng một loạt kế hoạch mới, Mỹ đang chứng minh sự khác biệt giữa đầu tư của Mỹ và Trung Quốc tại Châu Phi. Trung Quốc dường như coi trọng việc "đổ tiền bạc". Nhưng cùng với đó là những ý kiến quan ngại việc người khổng lồ Châu Á chỉ "nhăm nhe" tới nguồn tài nguyên của lục địa này hơn là thúc đẩy khả năng phát triển của Châu Phi và xây dựng mối quan hệ kinh tế lâu dài. Thế nên, thông qua Hội nghị Thượng đỉnh song phương lần thứ nhất, nền kinh tế hàng đầu thế giới vốn bị cho là "chậm chân" trong cuộc đua hợp tác với Châu Phi thể hiện quyết tâm bắt kịp cuộc chơi đang có sự cạnh tranh gay gắt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.