Thế giới

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS+:Thúc đẩy lợi ích của khu vực Nam bán cầu

Quỳnh Dương 21/10/2024 - 07:13

Việc mở rộng BRICS theo kế hoạch sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) được tổ chức tại Kazan (Nga) từ ngày 22 đến 24-10. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi nhóm này chính thức kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào đầu năm nay.

pu-tin.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong một sự kiện trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS. Ảnh: RIA NOVOSTI

Với chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu một cách công bằng”, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sẽ tập trung trao đổi về hợp tác giữa các nước BRICS và Nam bán cầu trong việc giải quyết các vấn đề của chương trình nghị sự quốc tế, trong đó có tình hình khu vực và quốc tế, phát triển bền vững, an ninh lương thực và năng lượng. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp với sự nổi lên gay gắt của nhiều thách thức, đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường phối hợp để ứng phó hiệu quả.

Nga với tư cách là Chủ tịch luân phiên của BRICS, ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong 3 lĩnh vực chính gồm chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính và văn hóa - nhân văn nhằm mục tiêu tăng cường vai trò của BRICS như một trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng, nâng cao vai trò của nhóm trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, Mátxcơva sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy thực hiện Chiến lược Đối tác kinh tế BRICS 2025 nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực, tăng cường vai trò của BRICS trong hệ thống tiền tệ quốc tế, mở rộng hợp tác liên ngân hàng và mở rộng việc sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại song phương.

Với lĩnh vực tài chính, một trong những mục tiêu đáng chú ý nhất của Nga là kêu gọi tạo ra một giải pháp thay thế cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc hình thành "các thể chế mới" trong khuôn khổ BRICS, nhằm giảm bớt áp lực chính trị từ các quốc gia phương Tây. Ông cho rằng, IMF và Ngân hàng Thế giới không còn thực hiện đúng vai trò của mình và không hoạt động vì lợi ích của các nước BRICS.

Bên cạnh 10 thành viên hiện tại, hội nghị có sự tham dự của đại diện hơn 20 quốc gia và trở thành cơ chế mở rộng. BRICS+ sẽ bao gồm nhiều quốc gia khác nhau, trải dài trên nhiều khu vực địa lý và châu lục. Một cuộc họp theo định dạng BRICS+ đã được lên kế hoạch vào ngày 24-10. Chủ đề chính của cuộc họp là: “BRICS và Nam bán cầu: Cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Các nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào sự hợp tác hiện tại giữa các quốc gia và tăng cường vai trò của họ trong việc ra quyết định về các vấn đề quốc tế.

Theo Tổng thống Vladimir Putin, BRICS đang được coi là một trong những trụ cột của trật tự thế giới mới, công bằng hơn, được thiết kế để trao cho tất cả các quốc gia cơ hội bình đẳng, giải phóng các quốc gia ở Nam bán cầu và Đông bán cầu khỏi vai trò vốn được áp đặt sẵn là những nhà cung cấp lao động và nguyên liệu thô giá rẻ. BRICS sẽ góp phần củng cố quyền của tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ bản sắc, quyền tự quyết, chính sách đối nội, đối ngoại độc lập và bảo vệ các giá trị truyền thống.

Nga và các quốc gia BRICS hoàn toàn chia sẻ lập trường nói trên và ủng hộ một quan hệ đối tác trung thực, phủ nhận mọi sự khác biệt. Đây là lý do tại sao trong những năm gần đây, hơn 20 quốc gia khắp thế giới tuyên bố mong muốn gia nhập BRICS. Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển và ổn định hơn nữa của vòng tròn bạn bè BRICS.

Nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng từ ngày 23 đến 24-10. Sự tham gia của Việt Nam tại hội nghị lần này chuyển tải thông điệp về việc ủng hộ vai trò của các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa phương, trong đó có BRICS, hoạt động trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp quốc tế, đề cao tiếng nói, tính đại diện của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu cũng như trong giải quyết các thách thức chung, góp phần xây dựng một trật tự thế giới đa cực và công bằng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS+: Thúc đẩy lợi ích của khu vực Nam bán cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.