(HNM) - Nước Đức sẽ xây dựng thêm từ 3 đến 5
Cùng với đó, việc hoàn tất hồ sơ tị nạn của những người này sẽ được gói gọn trong tối đa 3 tuần và họ không được phép rời các trung tâm tiếp nhận đặc biệt này. Người xin tị nạn chỉ được hưởng các chế độ khi đã đăng ký ở những trung tâm tiếp nhận như vậy.
Đó là những nội dung chính trong bản thỏa thuận mà lãnh đạo 3 đảng trong liên minh cầm quyền ở Đức đạt được trong cuộc họp kết thúc sáng 6-11 (giờ Hà Nội) sau rất nhiều tranh cãi. Cuộc họp này có sự tham gia của Thủ tướng, Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Angela Merkel; Thủ hiến bang Bayern, Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Horst Seehofer và Phó Thủ tướng, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Sigmar Gabriel.
Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư là bài toán khó với Chính phủ Đức. |
Với quyết tâm tìm giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư đang gây nhiều bất ổn tại Đức, cuộc họp này đã thỏa mãn được cơ bản các điều kiện mà cả 3 đảng trong liên đảng Bảo thủ cầm quyền CDU/CSU và SPD đưa ra. Theo đó, nước Đức sẽ áp dụng thẻ căn cước thống nhất và một hệ thống ngân hàng dữ liệu cho người tị nạn nhằm quản lý tốt hơn việc cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết hay các chế độ phúc lợi cho người tị nạn; đồng thời tạm hoãn việc đoàn tụ gia đình trong 2 năm với những trường hợp người nhập cư được ở lại Đức không theo Công ước Tị nạn của Liên hợp quốc hay Luật tị nạn của Đức (không được cấp quy chế tị nạn).
Theo thỏa thuận vừa đạt được, Đức sẽ đề nghị Áo cùng thiết lập các trung tâm cảnh sát chung và thực hiện tuần tra chung ở biên giới hai nước; đẩy nhanh ký kết Hiệp định nhận trở lại công dân giữa Liên minh Châu Âu (EU) với Afghanistan và Bangladesh. Thỏa thuận cũng nhất trí đẩy mạnh bảo vệ biên giới ngoài EU để ngăn chặn việc buôn người và di cư bất hợp pháp, cũng như xúc tiến Hội nghị Thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về vấn đề người tị nạn, đổi lại mở rộng cánh cửa gia nhập EU cho Ankara.
Dù kế hoạch thiết lập các khu trung chuyển ở biên giới theo ý tưởng ban đầu của liên đảng CDU/CSU bị đảng SPD phản đối kịch liệt, nhưng việc lãnh đạo 3 đảng trong liên đảng cầm quyền bất ngờ đạt được đồng thuận là bước đột phá lớn trong giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở Đức hiện nay. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa liên đảng Bảo thủ cầm quyền khá căng thẳng liên quan đến chính sách giải quyết khủng hoảng người di cư, thỏa thuận vừa đạt được đã cho thấy sự nhượng bộ của đảng CDU do Thủ tướng A.Merkel lãnh đạo. Trước đó lãnh đạo đảng CSU từng lên tiếng đe dọa sẽ kiện Chính phủ, thậm chí rút 3 bộ trưởng của đảng này khỏi Chính phủ liên bang nếu Thủ tướng A.Merkel không có biện pháp hạn chế người tị nạn đổ vào Đức.
Cuộc khủng hoảng nhập cư không chỉ đặt ra bài toán về kinh tế đối với nước Đức mà với cả EU khi dòng người di cư lên tới hàng triệu người, kéo theo các khoản chi ngân sách hàng tỷ euro mà chính phủ các nước phải bỏ ra. Các nhà hoạch định chính sách Đức cho rằng, về ngắn hạn kinh tế các nước Châu Âu sẽ chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nhập cư khi ngân sách nhà nước phải chi tiêu các khoản phát sinh để cung cấp nhu yếu phẩm và nơi ở cho những người mới đến cũng như xử lý đơn xin nhập cư. Riêng nước Đức đã dành 6 tỷ euro để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư trong năm 2015 và theo ước tính của hãng Standard & Poors, khoản chi ngân sách mà nước này phải bỏ ra trong hai năm tiếp theo sẽ lần lượt lên tới 10 tỷ euro và 12 tỷ euro.
Các nghiên cứu mới nhất cho thấy, người tiêu dùng ở Đức dần dè dặt hơn trong chi tiêu bởi họ lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực mà cuộc khủng hoảng di cư sẽ đem lại cho nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này. Trên thực tế Đức vẫn là điểm đến lý tưởng của người di cư bởi quốc gia này có chính sách tiếp nhận người di cư cởi mở hơn so với các quốc gia khác ở Châu Âu. Vì thế, nước Đức dự kiến sẽ tiếp nhận từ 800.000 đến 1 triệu người nhập cư trong năm 2015.
Trong bối cảnh đó, việc ba lãnh đạo trong liên minh cầm quyền đạt được thỏa thuận nêu trên có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ bế tắc cho cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở Đức. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, thỏa thuận trên chỉ là giải pháp tình thế. Để giải quyết khủng hoảng di cư một cách hiệu quả và triệt để, các nước liên quan cần phải xử lý được nguyên nhân dẫn tới dòng người đi tị nạn đang tìm mọi cách đặt chân đến Châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.