Các nhà lãnh đạo Hungary, Slovakia và Serbia đã khẳng định bảo vệ biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) là biện pháp phòng thủ tốt nhất và cần thêm nhiều quỹ của khối này hơn nữa.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên được tổ chức tại Komarno (Slovakia), Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Thủ tướng Slovakia Robert Fico, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã phác thảo chính sách đối với người di cư nghiêm khắc hơn mà họ muốn EU áp dụng, bao gồm các biện pháp trục xuất hiệu quả hơn và tài trợ nhiều hơn cho các quốc gia thành viên ở biên giới bên ngoài.
3 nhà lãnh đạo đã đề xuất thành lập các cơ sở tiếp nhận người xin tị nạn bên ngoài lãnh thổ EU, một giải pháp mà họ cho rằng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp đang được xem là mối đe dọa hiện hữu đối với khối này.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đề cập tới khả năng thành lập các "điểm nóng" do EU tài trợ và điều hành ở Bắc Phi và các địa điểm khác để giữ những người di cư cho đến khi đơn xin tị nạn của họ được chấp thuận.
"Những người muốn đến châu Âu có thể tập trung tại đó và nộp đơn xin tị nạn. Mọi giải pháp khác đều không hiệu quả", ông Viktor Orban nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã đề xuất EU dựng lên các rào cản vật lý ở biên giới bên ngoài - điều Hungary đã đơn phương thực hiện vào năm 2015 sau khi hàng trăm nghìn người, chủ yếu là chạy trốn chiến tranh và bất ổn ở Syria và Iraq, đã vào EU chỉ trong vài tháng.
Ông Robert Fico cũng chỉ trích các biện pháp cải cách chính sách nhập cư gần đây của EU, nói rằng khối này cần thông qua "một hiệp ước di cư mới có tính đến những gì luật pháp vẫn chưa cho phép" như trục xuất.
Trong một tuyên bố chung được thông qua trong cuộc họp, 3 nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng di cư bất hợp pháp "là một vấn đề nghiêm trọng, do bất ổn địa chính trị, xung đột gia tăng và bất bình đẳng xã hội ở khu vực lân cận của châu Âu".
Bất chấp nhận định không mấy lạc quan của 3 nhà lãnh đạo, theo Frontex, cơ quan biên giới của EU, số lượng người vượt biên trái phép vào khối đã giảm 42% trong 9 tháng năm 2024 và giảm 79% dọc theo tuyến đường Tây Balkan, bao gồm Serbia và Hungary.
Lâu nay, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Slovakia Robert Fico vẫn là hai nhà lãnh đạo chỉ trích gay gắt nhất về chính sách di cư của EU, phản đối các ý tưởng như hạn ngạch phân bổ lại người di cư trong khối. Thậm chí, ông Viktor Orban còn cho rằng, hiệp ước di cư được EU thông qua vào tháng 5 "không phải là giải pháp mà là vấn đề".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.